Công nhân thất nghiệp nhiều tháng nay ở Sài Gòn đi gặt lúa thuê
(Dân trí) - Nhiều công nhân thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở TPHCM thời gian qua mưu sinh bằng cách đi gặt lúa thuê kiếm sống qua ngày.
Trong những ngày cuối tháng 9, các ruộng lúa ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức (TPHCM) chín vàng, bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Đây là vùng đất nằm trong diện đã quy hoạch được người dân tận dụng làm nông nghiệp.
Ruộng lúa canh tác gần 10 năm nay của gia đình ông Phan Văn Sứt (61 tuổi, ngụ TP Thủ Đức). Do nhà ít người, cứ đến mỗi dịp thu hoạch ông Sứt thường thuê thêm nhân công gặt lúa để kịp cho việc gieo sạ vụ mới.
"Mỗi năm gia đình tôi trồng 2 vụ lúa, thu hoạch vào tháng 9 và tháng 11, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc gặt lúa hơi chậm hơn so với mọi năm", chủ ruộng cho biết.
Có khoảng 15 người gặt lúa thuê là những công nhân từ miền Tây lên TPHCM làm việc tại các công trường xây dựng, công ty may... nhưng đã thất nghiệp nhiều tháng nay do ảnh hưởng dịch bệnh.
"Tôi quê ở Kiên Giang, lên Sài Gòn từ mấy năm trước để phụ hồ cho công trình xây dựng. Tuy nhiên, nhiều tháng nay do ảnh hưởng dịch nên chỉ quanh quẩn ở phòng trọ. Một tuần nay được chú Sứt thuê ra gặt lúa cũng có ít tiền xoay sở nuôi gia đình", anh Danh Ngọc Hùng chia sẻ.
Công việc của nhóm gặt thuê bắt đầu từ 7h sáng kéo dài đến chiều với 120 nghìn đồng một ngày công.
Em Danh Ngọc Lợi (12 tuổi) không biết gặt nên phụ người lớn gom các bó lúa lại một chỗ để tuốt. Lợi là người dân tộc Khmer, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã nghỉ học, theo cha mẹ lên TPHCM mấy năm nay.
Chiếc máy tuốt lúa được đặt ngay dưới ruộng, khi nhóm công nhân gặt tới đâu sẽ được gom lại tuốt tới đó để đóng vào bao.
"Gia đình tôi trồng 4 hécta giống ST25, mỗi năm thu hoạch 2 vụ được khoảng 40 tấn lúa, trừ chi phí nhân công, thuê máy dập, máy tuốt thì cũng dư chút ít", ông Sứt cho hay.
Lúa được vào bao ngay tại ruộng, mỗi ngày nhóm công nhân đóng khoảng 100 bao loại 50 kg. Trước giờ nghỉ trưa, các công nhân tranh thủ vác các bao lúa vào điểm tập kết cách ruộng khoảng 300 m.
Vợ chồng ông Sứt dựng chòi ở gần ruộng, phía trước có mảnh đất cao ráo được tận dụng làm chỗ phơi thóc. "Vụ mùa tháng 9 này mưa nhiều nên hơi cực, có hôm vừa giăng bạt ra phơi được nửa tiếng thì trời đổ mưa, 2 vợ chồng già trở tay không kịp nên lấy mấy tấm bạt che tạm", bà Trần Thị Diệu (59 tuổi) phụ chồng đảo thóc nói.
Buổi trưa đạm bạc của mẹ con chị Danh Thị Thương (37 tuổi, áo cam) trên bờ ruộng, trước khi tiếp tục làm việc vào nửa buổi còn lại trong ngày. Chị Thương làm phụ hồ ở công trình xây dựng khu vực TP Thủ Đức nhưng đã nghỉ việc hơn 3 tháng, cả nhà sống dựa vào đồ cứu trợ của địa phương và mạnh thường quân.
Khi được nghỉ trưa, Lợi tranh thủ lội vào các ruộng đã gặt xong để đi bắt cá, ốc...
13h chiều, nhóm công nhân tiếp tục xuống đồng gặt lúa. Theo chủ ruộng, chỉ khoảng 10 ngày thì toàn bộ lúa trên diện tích canh tác của gia đình sẽ được thu hoạch xong.
Anh Danh Ngọc Sơn (36 tuổi) có hơn chục năm làm phụ hồ tại TPHCM nhưng đã thất nghiệp một thời gian dài do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không còn thu nhập, người đàn ông chọn cách mang lưới ra các ruộng đã gặt xong chờ gieo vụ mới kiếm ít cá về nấu ăn cho vợ con.
Nhóm công nhân hái rau muống dại mọc ở các bờ ruộng để lấy rau ăn hàng ngày.
Căn chòi lợp lá ở gần ruộng là nơi tránh mưa, tránh nắng của chủ ruộng cùng với các công nhân khác trong mùa thu hoạch lúa.