Chuyển đổi số báo chí ở Bình Định theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn
(Dân trí) - Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.
Báo chí có vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng.
Ông Lâm Hải Giang nhìn nhận, chuyển đối số báo chí góp phần đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, chuyển đổi số báo chí của tỉnh được triển khai toàn diện, kiên quyết, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin hệ thống thông tin báo chí.
Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh thông tin ngay từ khi thiết kế.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị các cơ quan báo chí cần xác định rõ lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng thông tin báo chí.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 70% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% cơ quan báo chí điện tử của tỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; 80% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện của địa phương.
Các cơ quan báo chí của tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tỉnh tăng doanh thu tối thiểu 20%; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 100% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 70% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.