"Chuyển đổi số báo chí không chỉ về công nghệ mà còn là tư duy"
(Dân trí) - Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, cho rằng, chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ mà còn là chuyển đổi về tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo.
Sáng 3/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế". Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân Dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ mà còn là chuyển đổi về tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo, cũng như chuyển đổi về văn hóa trong cả tòa soạn.
Theo ông Minh, công nghệ nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược chuyển đổi số, nhằm tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục các nhóm công chúng mới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cần có tư duy chuyển đổi số và lan tỏa tư duy này đến mọi cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí.
Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyển đổi số vừa là cơ hội vừa là thách thức. Nếu thực hiện chuyển đổi số thành công, đó sẽ là cơ hội cho cơ quan truyền thông đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả thông tin và phục vụ công chúng.
PGS.TS Phạm Minh Sơn cho rằng, để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí - truyền thông cần có ít nhất 3 chữ "C" là: Chiến lược, Công nghệ và Con người.
Chuyển đổi số cần một tầm nhìn và kế hoạch dài hạn trong xây dựng hạ tầng thông tin, bồi dưỡng con người và ứng dụng công nghệ. Công nghệ chính là yếu tố trung tâm trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra sự thay đổi trong cách thức vận hành theo hướng tiết kiệm nguồn lực nhưng gia tăng hiệu quả. Chữ C cuối cùng, bất kỳ chiến lược nào muốn được thực hiện thành công cũng cần có những con người phù hợp.
"Trong ngắn hạn, các cơ quan báo chí - truyền thông cần có những nhà báo nhanh nhạy công nghệ, sẵn sàng tiếp nhận cái mới và có khả năng quản lý sự thay đổi. Trong dài hạn, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần đào tạo những nhà báo đa phương tiện, nhà báo số - những người có khả năng làm việc đa năng, đa nhiệm trong môi trường truyền thông số.
Chuyển đổi số dựa trên công nghệ số nhưng nếu tuyệt đối hóa công nghệ mà không chú trọng đúng mức đến yếu tố con người thì quá trình này không thể thành công", PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.
Cũng phát biểu tại hội thảo, ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, xuất hiện trong cả trong lĩnh vực công lẫn khối doanh nghiệp tư.
"Các công nghệ truyền thông kỹ thuật số như 5G và điện toán đám mây đã trở thành nền tảng để chúng ta làm việc tại nhà. Trí tuệ nhân tạo và Internet giúp vạn vật vẫn hiện hữu ở xung quanh mà chúng ta không biết, như giới thiệu các sản phẩm đáp ứng mong muốn và nhu cầu mà chúng ta tìm kiếm. Sự chuyển đổi này không chỉ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày mà còn là một sự chuyển đổi lớn đang diễn ra trong cấu trúc kinh tế và xã hội", ông Cho Han-Deog chia sẻ.
Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế" là hoạt động trong khuôn khổ dự án hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ (giai đoạn 2) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ.
Hội thảo là hoạt động thường niên, diễn ra từ năm 2016 trở lại đây.