"Chuyến bay 16 tiếng" của người dân rời TPHCM về quê ăn Tết
(Dân trí) - Ngỡ ngàng, thất vọng và ngao ngán… là cảm giác của nhiều người đến sân bay Tân Sơn Nhất để về Nghệ An ăn Tết, khi bất ngờ nhận tin chuyến bay bị dời lại sau 16 tiếng so với giờ khởi hành trên vé...
Chiều tối 27/1, tức 25 tháng Chạp âm lịch, dòng người vẫn đang tiếp tục "đổ về" sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM để về quê ăn Tết khiến không khí tại sân bay vẫn tấp nập, hối hả... dù đã có phần hạ nhiệt so với buổi sáng.
Tiêm đủ vaccine yên tâm hơn hẳn
Theo quan sát của PV Dân trí, tại các quầy làm việc của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways thời điểm 17-18h khá thông thoáng. Hành khách có vé các hãng này mất không quá lâu để làm thủ tục check-in chờ lên máy bay.
Để đảm bảo các quy định phòng chống dịch, phía Cảng hàng không Tân Sơn Nhất liên tục phát loa thông báo về việc hành khách cư trú, lưu trú tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ, kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Chị Lệ (37 tuổi), cùng chồng và 2 con, từ Đồng Nai đến sân bay Tân Sơn Nhất để về Thanh Hóa sau những tháng ngày chống chọi dịch bệnh nơi xứ người. "Hôm nay tôi thấy không quá đông, cả gia đình cũng đã tiêm đủ vaccine nên tương đối an tâm" - chị Lệ chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Thu (37 tuổi, sống tại quận 12) đưa con trai út 2 tháng tuổi về quê chồng Đà Nẵng cho biết, trong khi 3 con lớn đã theo cha về quê từ 20 Tết. Theo chị Thu, vì có con nhỏ nên chị phải mang theo giấy khai sinh của bé, khai báo y tế và checking trực tiếp tại quầy và thủ tục có phần nhanh chóng hơn so với mọi năm - người phụ nữ nhận định.
Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc nhiều người dân đã tranh thủ về quê từ những ngày trước, sau một năm bị "mắc kẹt" vì dịch bệnh, nên lượng khách ở thời điểm hiện nay còn không nhiều - Chị Kim Thu chia sẻ thêm.
Chuyến bay chậm hơn 16 tiếng
Tuy nhiên, các hành khách chờ chuyến bay về Nghệ An thì không được may mắn như vậy. Lắc đầu ngao ngán tại khu vực ghế chờ, anh Đậu Đức Quý (34 tuổi) cho biết, từ 13h chiều đã bắt xe từ Biên Hòa đến TPHCM để trừ hao thời gian. Mất thêm 30 phút chờ check-in là gần 17h, anh bất ngờ nhận thông báo chuyến bay đến TP Vinh (Nghệ An) sẽ bị dời từ 18h30 ngày 27/1 sang 10h10 ngày 28/1, với lý do thời tiết xấu.
"Họ báo ở Vinh sương mù nhiều không hạ cánh được, nên hủy chuyến hôm nay. Nếu họ báo trước khi đi thì đã dễ, còn giờ chắc tôi đành ngồi đây chờ đến giờ bay mới, vì ra khách sạn lại tốn thêm nhiều tiền" - anh Quý tiếp lời.
Cũng trong tâm trạng ngao ngán xen lẫn bức xúc, anh Phan Viết Đắc (39 tuổi) cho biết cùng con gái di chuyển từ TX Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đến. "Họ không báo trước, cũng không thấy cho vào phòng chờ hay chai nước uống" - anh Đắc vừa nói. Vừa chỉ tay vào thông báo được nhận lúc 17h30, với nội dung chuyến bay VN6102 bị chuyển từ tối hôm nay đến sáng ngày mai.
Thời điểm tỉnh Bình Dương rơi vào đỉnh dịch, 4 tháng trời cửa hàng quần áo thời trang của anh Đắc phải đóng cửa. Hậu quả là sau đó anh bị phá sản, phải trả mặt bằng. Tiền mua vé máy bay về quê ăn Tết của 2 cha con đã là một gánh nặng lớn, phải dành dụm gói ghém đủ đường. Giờ chuyến bay bị delay, anh Đắc thở dài, buồn vì tối nay sẽ lại mất thêm tiền ăn, tiền thuê nhà nghỉ tạm.
"Tôi định mùng 8 Tết sẽ bay vào cho con gái đi học, nhưng còn chưa mua vé, vì giờ giá vé đang đến 2.7 triệu đồng. Năm mới, chỉ mong dịch bệnh ổn định lại, kinh tế phát triển. Tôi hết vốn liếng rồi, vào chỉ xin đi làm công nhân để kiếm sống trước rồi tính" - anh Đắc chia sẻ.
Gian nan đường về quê
Liên tục lắc đầu, chị Hoàng Thị Ánh chia sẻ, 14h đã tranh thủ đến sân bay, làm thủ tục xong từ rất sớm. Tâm trạng háo hức lúc đầu thay bằng sự thất vọng khi đến hơn 17h, chị mới nhận tin chuyến bay bị delay. "Tiền taxi, tiền vé, tiền ăn uống tốn rất nhiều. Bây giờ họ báo bất ngờ vậy làm sao đỡ nổi" - nữ hành khách bức xúc.
Ngồi cạnh bên, cô gái tên Hồ Thị Hạnh (24 tuổi) đã vượt quãng đường dài từ TP Vũng Tàu đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13h. Đứng xếp hàng 15 phút, Hạnh được nhân viên hãng bay báo hủy chuyến.
"Không có chi phí hỗ trợ gì hết, họ nói một là trả vé, hai là đợi chuyến bay. Mình mua vé sớm tốn hết 2.9 triệu đồng, có người đặt cận Tết giá đến hơn 5 triệu. Đã xin công ty nghỉ trước một ngày đề về quê sớm, bây giờ lâm vào cảnh này.
Ra khách sạn thì vừa tốn tiền, vừa lỉnh kỉnh đồ đạc. Rất cực, chưa kể nhiều người còn có trẻ con. Lần đầu tiên trong đời, tôi phải đi chuyến bay 16 tiếng" - Hạnh nói, giọng chưa khỏi ngỡ ngàng.
19h, khu vực check-in của hãng hàng không Vietjet Air trong tình trạng đông khủng khiếp, các nhân viên an ninh sân bay phải liên tục di chuyển đến các quầy thủ tục hỗ trợ điều tiết giãn cách. Và hành khách về Vinh, Nghệ An mua vé hãng này cũng trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".
Chị Nguyễn Thị Thêm (25 tuổi), nhân viên văn phòng cho biết từ TP Thủ Đức đến sân bay lúc 18 giờ, dự định check-in xong thì về quê ngay trên chuyến bay cất cánh vào 20 giờ.
Nhưng giờ thì nghe hãng thông báo đổi giờ bay sang 8h sáng mai, vì lý do thời tiết bất khả kháng. Không còn đủ sức di chuyển, cô gái đang mang thai 4 tháng ngồi bệch bên cạnh vali, xung quanh là biển người phẫn nộ, phàn nàn với nhân viên hãng bay vì bị delay (dời chuyến, khởi hành chậm hơn) bất ngờ.
"Tôi phải chờ, chứ ra khách sạn tốn tiền lắm, cũng không thể về Thủ Đức được. Chồng đã bay về trước mấy hôm rồi, thân bầu bì một mình mà sân bay đông đúc thế này sợ nhiễm bệnh quá" - thai phụ chia sẻ nỗi bất an.
Tối mịt, dòng người vào sân bay vẫn tấp nập, khiến không gian của các hành khách chờ rời TPHCM về Nghệ An hẹp dần. Cảnh trẻ con vật vờ dựa vào người lớn, cảnh che mặt chợp mắt nghỉ ngơi xuất hiện nhiều hơn. Chuyến bay dời lại chậm hơn 12 tiếng, 16 tiếng hay có lâu hơn nữa không, đợi đến sáng mai mới biết được.