1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thông tin về những khu vực ở Hà Nội sắp cấm ô tô, xe máy xăng gây ô nhiễm

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên ở thủ đô thí điểm vùng phát thải thấp, dự kiến sẽ nghiên cứu tại khu vực phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố (nghị quyết).

Nghiên cứu tại khu vực phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận

Đối tượng áp dụng của nghị quyết này gồm các tổ chức, cá nhân di chuyển vào vùng phát thải thấp bằng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ ô tô điện, xe máy điện và các phương tiện ưu tiên theo quy định.

Những ngày qua, nhiều thông tin cho rằng quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên thí điểm vùng phát thải thấp. Ngày 6/11, phóng viên Dân trí đã trao đổi với đại diện quận Hoàn Kiếm về việc này.

Theo đại diện quận Hoàn Kiếm, để triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã giao Sở TN&MT chủ trì soạn thảo nghị quyết và tin tưởng sẽ giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thí điểm trước.

Thông tin về những khu vực ở Hà Nội sắp cấm ô tô, xe máy xăng gây ô nhiễm - 1

Khu vực phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận có thể trở thành vùng phát thải thấp (Ảnh: Hữu Nghị).

Để hoàn chỉnh nghị quyết, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các chuyên gia để xin ý kiến, làm cơ sở để quận có thể áp dụng thực hiện thí điểm một cách thuận lợi, góp phần sớm đưa vùng phát thải thấp vào hiện thực.

Đại diện quận Hoàn Kiếm cho hay, trước khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, quận đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, các chuyên gia để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác hại của môi trường, trong đó có khí thải, rác thải, tiếng ồn...

"Dự kiến sau khi nghị quyết được ban hành, quận sẽ nghiên cứu tại khu vực phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận. Sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi áp dụng chính thức, chúng tôi sẽ làm kỹ từng bước như xin ý kiến người dân, các cơ quan liên quan dựa trên các tiêu chí mà nghị quyết quy định...", đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết.

Theo vị này, trong thời gian tới, quận sẽ nghiên cứu đề xuất hình thành khu vực hạn chế tốc độ, vùng hạn chế tối đa phương tiện cá nhân (Zone 20-30), mở rộng các không gian đi bộ. Đồng thời, phát triển hệ thống giao thông theo hướng xanh, sạch, an toàn (hiện đang nghiên cứu đề án "Mô hình xây dựng xanh - sạch - an toàn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm").

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý môi trường không khí, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, đại diện quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc xác định được vùng phát thải thấp với các quy định nghiêm ngặt sẽ góp phần giúp quận đẩy mạnh việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Đồng thời, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn, tôn, tạo phát huy giá trị của khu vực phố cổ, các di sản văn hóa, di tích lịch sử, các khu kiến trúc Pháp, không gian lịch sử văn hóa.

Việc này cũng góp phần để quận tạo các quỹ đất phát triển cho không gian công cộng, không gian văn hóa, không gian đổi mới sáng tạo…

Cần sự chung tay

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội cho biết, thành phố có lợi thế là tại Điều 28 của Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã quy định tiêu chí cùng các giải pháp để xây dựng các vùng phát thải thấp.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố định hướng và có cơ sở xây dựng khu vực phát thải thấp.

Thông tin về những khu vực ở Hà Nội sắp cấm ô tô, xe máy xăng gây ô nhiễm - 2

Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo bà Thủy, có hai chủ thể quan trọng quyết định đến mức độ thành công của mô hình này, một là Sở Giao thông vận tải đưa ra các chương trình, kế hoạch để sắp xếp lại giao thông.

Hai là chính quyền địa phương, đơn vị sẽ thực hiện việc này với những chính sách cụ thể, đặc thù cho khu vực phát thải thấp, làm sao nhận được sự đồng thuận, gắn kết của người dân vào các hoạt động phát thải thấp.

Bà Thủy cũng cho rằng, xây dựng khu vực phát thải thấp không chỉ Sở TN&MT, Sở Giao thông vận tải, các quận huyện mà còn cần sự chung tay của các sở ngành khác và đặc biệt là người dân.

TS Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, vùng phát thải thấp là một biện pháp quản lý giao thông đô thị. Trên thế giới, người ta thường gắn liền vùng phát thải thấp với hạn chế giao thông cơ giới gây phát thải đi vào khu vực đó.

Theo bà Bình, để thực hiện việc này, các đơn vị chức năng phải tổ chức được luồng phương tiện giao thông đi ngang qua, đi vòng tránh khu vực bị hạn chế; đồng thời nhận diện được phương tiện có mức phát thải cao, có biện pháp kiểm soát, xử lý được những phương tiện vi phạm.

"Sau khi có các nghị quyết, quyết định, tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn vùng phát thải và các điều kiện để có thể tổ chức các vùng phát thải thấp, chính quyền sẽ chọn khu vực có quy mô nhỏ để áp dụng thí điểm. Từ thí điểm đó rút ra bài học, kinh nghiệm để điều chỉnh để có thể triển khai mở rộng", bà Bình nói về lộ trình áp dụng.

6 tiêu chí xác định các khu vực hạn chế phát thải

Một là thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu chí này bao gồm các quận của Hà Nội hiện nay cũng như năm huyện sắp lên quận và hai thành phố mới sắp được thành lập.

Hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Ba là chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.

Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông.

Năm là các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Sáu là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ đồng thuận đạt từ 51% trở lên.