1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ đầu tư BOT "tuyệt vọng" kêu cứu vì xe né trạm thu phí

Công Bính

(Dân trí) - Vay hơn 800 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 qua Quảng Nam theo hình thức BOT, nhưng do xe né trạm nên doanh nghiệp khốn đốn, tiến thoái lưỡng nan.

Sau nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương, chủ đầu tư BOT thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chỉ biết chờ đợi.

Ông Thân Hóa - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545 (Công ty 545, chủ đầu tư BOT) - cho biết, năm 2007-2008, thực hiện chủ trương của nhà nước kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, ông xin Bộ Giao thông vận tải đầu tư tuyến quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Chủ đầu tư BOT tuyệt vọng kêu cứu vì xe né trạm thu phí - 1

Xe khách né trạm đi vào đường dân sinh trong khu dân cư (Ảnh: Công Bính).

Sau khi tuyến này gần hết thời gian thu phí, Công ty 545 tiếp tục xin làm đoạn Tứ Câu - Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), nối tiếp đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước.

Tiếp theo giai đoạn 3, tỉnh Quảng Nam xin Trung ương vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 từ huyện Duy Xuyên vào huyện Phú Ninh. Lúc này ngân sách khó khăn nên Công ty 545 xin làm tiếp theo hình thức BOT.

Khi đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước hết thời gian thu phí, trạm BOT phải chuyển vào Quảng Nam và đặt tại phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn.

Thời gian này, các khu dân cư quanh trạm thu phí chưa hoàn thành, do đó doanh thu trạm BOT Điện Thắng Trung đảm bảo hoàn vốn theo hợp đồng ký kết.

Giai đoạn 2017-2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hình thành, đường ven biển từ Đà Nẵng vào Quảng Nam mở ra, các tuyến đường quanh trạm thu phí mọc lên… nên doanh thu trạm BOT sụt giảm.

"Doanh thu lúc đầu 600-700 triệu đồng/ngày, nay còn chưa đến 200 triệu đồng/ngày, không đủ trả lãi ngân hàng, nói gì đến trả gốc", ông Hóa nói.

Chủ đầu tư BOT tuyệt vọng kêu cứu vì xe né trạm thu phí - 2

Xe tải lưu thông ở đường có biển cấm (Ảnh: Công Bính).

Theo ông Hóa, để tháo gỡ khó khăn, Công ty 545 gửi nhiều văn bản đến nhiều cơ quan nhưng chưa được quan tâm. Chủ đầu tư mong muốn được tháo gỡ khó khăn.

"Tôi năm nay đã 68 tuổi, đã đến tuổi nghỉ ngơi rồi, tôi quá mệt mỏi. Bây giờ tới cũng không được, lui cũng không xong vì còn món nợ rất lớn của ngân hàng, lên đến 1.200 tỷ đồng. Không ai đi gánh nợ cho mình. Nếu không vướng trạm thu phí tôi đã nghỉ ngơi rồi", ông Hóa chia sẻ.

Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp này, UBND thị xã Điện Bàn vừa có văn bản chỉ đạo công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm cũng như lắp đặt các biển báo theo quy định.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, để đảm bảo an toàn giao thông, ổn định đời sống sinh hoạt, không gây cản trở lưu thông của người dân khu vực quanh trạm thu phí, UBND thị xã Điện Bàn đề nghị chủ đầu tư, các ngành và địa phương kiểm tra, khảo sát vị trí và đề xuất phương án, giải pháp phù hợp để giới hạn chiều cao xe có tải trọng lớn chạy vào các tuyến đường dân sinh quanh trạm BOT theo đúng quy định pháp luật.

Đội Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, hướng dẫn và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế các trường hợp vi phạm trên các tuyến đường dân sinh khu vực quanh trạm thu phí…

Như Dân trí đã nhiều lần phản ảnh, chủ đầu tư trạm thu phí BOT qua quốc lộ 1, thuộc phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn gửi đơn đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Nam… trình bày những khó khăn, vướng mắc của dự án.

Chủ đầu tư BOT tuyệt vọng kêu cứu vì xe né trạm thu phí - 3

Trạm thu phí vắng hoe vì xe né trạm (Ảnh: Thái Dũng).

Theo chủ đầu tư, từ khi hình thành các khu dân cư 2 bên trạm thu phí, lượng ô tô đi vòng, không qua trạm thu phí khiến doanh nghiệp thiệt hại.

Ngoài ra, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác, đường ven biển Đà Nẵng đi Quảng Nam, tuyến ĐH8 nối với đường ĐT607 ra cảng Tiên Sa… cũng làm trạm thu phí hụt thu.

Ngoài những nguyên nhân nói trên, chủ đầu tư cho biết, vấn đề gây ra việc tụt giảm nghiêm trọng nguồn thu, do các phương tiện tham gia giao thông thực tế qua trạm thu phí thấp hơn rất nhiều so với tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký.