Chính phủ đang xem xét việc mua lại dự án BOT qua thị xã Điện Bàn
(Dân trí) - Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc đề nghị di dời trạm thu phí là chưa phù hợp với quy định hợp đồng BOT, còn việc nhà đầu tư đề nghị mua lại dự án thì đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày 26/9, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, có chuyến thị sát trạm thu phí BOT qua thị xã Điện Bàn, Quảng Nam và làm việc với chủ đầu tư về một số vướng mắc của dự án này.
Trước đó, Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 - chủ đầu tư trạm thu phí BOT qua quốc lộ 1, thuộc phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - gửi đơn đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Quảng Nam… trình bày những khó khăn của dự án.
Theo chủ đầu tư, từ khi hình thành các khu dân cư 2 bên trạm thu phí, lượng ô tô đi vòng vào khu dân cư rất nhiều, không qua trạm thu phí khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng.
Ngoài ra, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác, đường ven biển Đà Nẵng đi Quảng Nam, tuyến ĐH8 nối với đường ĐT607 ra cảng Tiên Sa, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trên cả nước… cũng làm trạm thu phí hụt thu nặng.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, chủ đầu tư cho biết, vấn đề gây ra việc tụt giảm nghiêm trọng nguồn thu, do các phương tiện tham gia giao thông thực tế qua trạm thu phí thấp hơn rất nhiều so với tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký.
Doanh nghiệp này cho rằng tình hình thu phí giảm đến 90% so với phương án tài chính hợp đồng. Nguồn thu không đủ trả lãi vay ngân hàng, dẫn đến việc không có kinh phí để duy trì chi phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên trên toàn tuyến theo như quy định hợp đồng BOT…
Để hạn chế khó khăn, chủ đầu tư trạm thu phí đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Sở GTVT xem xét, có ý kiến đề xuất Bộ GTVT cho phép di dời trạm thu phí đến vị trí khác thuận lợi hơn; hoặc có phương án mua lại toàn bộ dự án BOT này, chấm dứt hợp đồng BOT theo quy định.
Tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, giải quyết đề nghị của chủ đầu tư trạm thu phí này.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền mua lại toàn bộ dự án BOT này.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trường hợp nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn, trên cơ sở nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân", đề nghị nhà nước mua lại một phần dự án, hai là nhà nước hoàn trả chi phí bảo trì quốc lộ 1, đoạn km933-km947 từ ngày 2/8/2020 đến nay.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá kỹ việc di dời trạm thu phí đến vị trí thuận lợi, phù hợp, đảm bảo an sinh và đúng quy định.
Về đề nghị cho phép di dời trạm thu phí của nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, căn cứ hợp đồng năm 2014 giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, cùng các văn bản liên quan, việc đề nghị di dời trạm thu phí là chưa phù hợp với quy định hợp đồng dự án BOT và chỉ đạo của Bộ GTVT.
Đối với việc nhà đầu tư đề nghị nhà nước mua lại toàn bộ dự án, ông Thắng cho biết, ngày 28/5, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; trong đó, có các vướng mắc, khó khăn về sụt giảm doanh thu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chính phủ đang xem xét, giải quyết. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT đối với đề án, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xem xét giải quyết, hướng dẫn nhà đầu tư xử lý các vướng mắc, khó khăn của dự án.