Chợ truyền thống Hà Nội đìu hiu, tiểu thương bật nhạc nhảy, ngủ xuyên trưa
(Dân trí) - Nhiều năm trở lại đây chợ truyền thống ở Hà Nội như Ngã Tư Sở, Kim Giang,... luôn trong cảnh đìu hiu, hàng hóa ế ẩm, để khuây khỏa các tiểu thương bật nhạc nhảy, còn chỗ thì ngủ xuyên trưa .
Những năm gần đây, nhiều chợ truyền thống như Ngã Tư Sở, Kim Giang, Thành Công B,... trên địa bàn Hà Nội ế ẩm, hàng hóa tồn đọng khiến nhiều tiểu thương phải đóng cửa, nhượng sạp.
Ghé chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lúc 9h sáng, khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu, chỉ có vài ba khách ngó nghiêng các cửa hàng quần áo, nhiều tiểu thương nói vui người bán "đông" hơn khách.
Một người đàn ông trông xe ở cổng chợ cho biết, mấy năm qua mỗi ngày chợ chỉ có khoảng 20 - 30 lượt gửi xe máy. "Cách đây mười năm mỗi ngày có hàng trăm lượt gửi xe, người ra, vào tấp nập nhưng nay không còn", người đàn ông thở dài nói.
Ông Đặng Việt Bằng, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đống Đa cho biết, chợ Ngã Tư Sở là chợ hạng 1, có diện tích trên 8.000m2 với 754 hộ kinh doanh cố định; sau một thời gian dài cạnh tranh lớn với kinh doanh online, chợ tạm, chợ cóc đã khiến chợ Ngã Tư Sở mất rất nhiều khách, hiện chỉ còn gần 200 hộ kinh doanh, nhiều khu vực trong chợ xuống cấp nghiêm trọng.
"Nhiều hộ kinh doanh tại đây không dừng hẳn mà chỉ chờ chợ được xây dựng lại khang trang, sạch đẹp có thể thu hút được khách vào mua sắm thì sẽ quay trở lại kinh doanh", ông Bằng nói.
Theo ông Bằng, chợ Ngã Tư Sở chủ yếu kinh doanh vải, quần áo, công nghệ phẩm, lượng hàng hóa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu nhưng lượng khách đến chợ ngày một ít, một số tiểu thương hiện kết hợp bán online để tăng thêm thu nhập.
"Nếu người dân có nhu cầu mua hàng cấp cao thì họ vào các shop, cửa hàng lớn còn hàng bình dân thì đến chợ sinh viên nên chợ Ngã Tư Sở khoảng 10 năm nay lượng khách đến suy giảm rõ rệt, đặc biệt sau dịch Covid-19 có những hộ cả tuần không bán hàng được sản phẩm nào", ông Bằng nhận định và nói rằng có nhiều tiểu thương đã buôn bán ở đây hơn 30 năm, tuổi cao nên ngại chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Hơn 11h, bà Kim Yến (59 tuổi) cùng nhiều tiểu thương mở nhạc để nhảy cho khuây khỏa, rèn luyện sức khỏe. Bà Yến và một số tiểu thương tại đây bộc bạch, mấy năm qua chợ rất đìu hiu có những ngày sáng dọn hàng ra, tối thu vào y nguyên.
Bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở từ những năm 1987 cho đến nay, bà Nguyễn Thị Vĩnh buồn bã khi nhắc lại thời kỳ hoàng kim vào những năm 1999 - 2010 mỗi ngày ki ốt của bà có vài ba chục khách tới xem, mua hàng nhưng nay có thời điểm cả tuần không bán được sản phẩm nào.
"Vì là mặt hàng quần áo nên tôi cũng lựa chọn kỹ, hợp thời trang, đẹp, giá bình dân nhưng vẫn không có khách đến mua", chỉ tay vào sạp hàng ế ẩm, bà Vĩnh tỏ vẻ chán nản.
Đã nhiều tháng bà Vĩnh phải bỏ tiền túi để trang trải cho các chi phí duy trì ki ốt. Lý do bà và nhiều tiểu thương khác quyết gắn bó chợ Ngã Tư Sở, hy vọng chợ được xây lại khang trang, sạch đẹp thu hút khách hàng.
Cùng chung cảnh đìu hiu với chợ Ngã Tư Sở, chợ Kim Giang (quận Thanh Xuân) cũng không khá khẩm hơn là mấy mặc dù bên trong chợ khá khang trang, sạch sẽ.
Ông Hà Thế Hoạch, chủ cửa hàng bán đồ điện tử tại chợ Kim Giang chia sẻ, những người đến chợ để mua đồ điện tử chủ yếu chọn các mặt hàng có giá trị thấp, còn hàng nhiều tiền khách sẽ đến trung tâm thương mại, siêu thị để mua.
"Khách hàng trẻ đến chợ ngày một ít, giờ mọi người mua gì cũng đặt online ship đến tận nhà", ông Hoạch thở dài.
Mặc dù đã gần 15h nhưng do vắng khách bà V. và một số tiểu thương tại chợ Kim Giang vẫn ngủ ngon giấc. Sau khi bị người lạ đánh thức nhưng không có ý định mua hàng khiến bà cảm thấy hụt hẫng.
Cách đây 22 năm khi về chợ Kim Giang mở ki ốt bán đồ gia dụng, sạp hàng của bà V. luôn có hàng chục lượt khách ra, vào mỗi ngày nhưng nay ngày chỉ có vài ba người đến ngó nghiêng, hàng luôn ế ẩm.
"Giờ ra chợ ngồi cho vui làm gì có lãi, ở nhà buồn chân, tay lại mò ra chợ", bà Hà chủ của hàng điện tại chợ Kim Giang chia sẻ.
Nằm ở khu vực đông dân cư, sầm uất nhưng chợ Thành Công B (quận Ba Đình) lại ít người vào chọn, mua hàng.
Mặc dù gần 17h nhưng tại khu vực bán thực phẩm của chợ Thành Công B vắng người mua. Nhiều tiểu thương cho biết, các chợ cóc mọc nhiều nên ít người vào chợ truyền thống để mua.
"Giờ bước chân ra tới ngõ là mua được bó rau, quả trứng nên lượng người đến chợ truyền thống vì thế mà giảm hẳn", chị Dương Thị Thảo tiểu thương tại chợ Thành Công B than thở.
Buôn, bán vải kiện tại chợ Thành Công B nhiều năm nên bà Kim Khánh có nhiều mối quen, khách lẻ cũng thường xuyên tới mua nên ki ốt vẫn duy trì được doanh số ổn định.
"Mỗi ngày có khoảng mười khách đến mua nhưng chủ yếu là khách quen", bà Khánh chia sẻ. Theo ghi nhận, tại khu vực bán vải, may đo áo dài ở chợ Thành Công B vẫn thu hút lượng khách hàng nhất định.
"Hàng lúc nào cũng mới, tươi ngon, giá bình dân nhưng không hiểu sao khách cứ đi đâu hết", bà Đoàn Thị Lý bán trứng tại chợ Thành Công B thắc mắc.
Ngày mùng một (âm lịch) nên cửa hàng xôi của gia đình anh Vinh hoạt động hết công suất, đây là một trong những ki ốt tấp nập nhất tại chợ Thành Công B. Anh Vinh và gia đình cảm thấy may mắn vì lượng hàng bán thời gian qua vẫn ổn định.
"Hàng vẫn bán được nhưng khách đến chợ thì giảm rõ rệt, nhiều khách quen họ đặt mình ship đến tận nơi chứ người ta không đến mua trực tiếp như trước", anh Vinh chia sẻ.
Trái với khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp của đường Nguyễn Trãi, chợ Thượng Đình (quận Thanh Xuân) luôn vắng người mua hàng, bên trong chợ rất ít khách lui tới.
Dù 22/3 dương lịch đúng ngày mùng một âm lịch, nhưng tại các ki ốt bán vàng mã, tiền âm phủ, hương,... ở chợ Thượng Đình khá vắng khách. Một số tiểu thương bộc bạch, do đóng tiền thuê ki ốt cả năm, cả quý nên họ cố gắng ngồi duy trì và đa phần các tiểu thương đều lớn tuổi.