Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM đồng loạt đóng sạp

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Nhiều tiểu thương tại An Đông Plaza chọn cách đóng cửa sạp hàng, bãi chợ khi đối thoại bất thành với ban quản lý. Những người kinh doanh cho rằng giá thuê sạp vẫn cao, trong khi hàng không bán được.

Sáng 22/3, khách hàng đến An Đông Plaza (quận 5, TPHCM) không khỏi ngỡ ngàng, chưng hửng ra về khi chứng kiến cảnh hơn 90% sạp hàng tại chợ rơi vào cảnh "cửa chốt then cài". Được biết, An Đông Plaza có khoảng 2.700 sạp, nhưng giờ đây mỗi tầng chỉ có lác đác 1-2 sạp còn hé cửa. 

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM đồng loạt đóng sạp - 1

Nhiều sạp hàng tại An Đông Plaza đóng cửa trong sáng 22/3. Nhân viên ngơ ngác ngồi trước cửa tiệm chờ động thái của chủ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ban quản lý chợ cũng đã phát loa thông báo: "Hiện tại có rất nhiều sạp hàng đóng cửa, nhiều tiểu thương lôi kéo các tiểu thương khác đóng cửa theo ngay trong giờ hoạt động của chợ. Ban quản lý yêu cầu các tiểu thương cần chấm dứt những hành động trên, mở cửa sạp hàng hoạt động trở lại để đảm bảo an toàn cho khách hàng đến mua sắm".

Lúc này, phóng viên liên hệ với Ban quản lý chợ để trao đổi, nhưng được phản hồi là chưa thể trả lời trong lúc này.

Tại sảnh, tiểu thương đứng đông kín, không ít người rưng rưng nước mắt khi nói về tình hình kinh doanh tại chợ và những nguyện vọng về chính sách cho thuê sạp.

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM đồng loạt đóng sạp - 2

Tiểu thương tập trung đông đúc ở sảnh trong ngày bãi chợ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chị C.N. (chủ sạp giày dép) nức nở kể, chị bắt đầu buôn bán tại chợ từ năm 2004, đến nay đã sở hữu 2 sạp hàng tại An Đông Plaza nhưng chưa từng chứng kiến cảnh kinh doanh khó khăn như năm nay.

Từ năm 2016, chị ký hợp đồng thuê 2 sạp với diện tích 2-3 m2, giá mỗi tháng gần 22 triệu đồng/sạp. Đến năm 2021, hợp đồng cho thuê hết hạn nhưng do dịch Covid-19 nên được thông báo kéo dài đến tháng 4/2023. Vì đã thuê lâu năm, chị N. vẫn được giữ giá thuê cũ nếu ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, chị cho rằng ngay cả mức giá thuê như vậy cũng... không trụ nổi.

Trước dịch Covid-19, chị N. có thể bán hơn 300 đôi giày, dép/ngày, giờ đây chỉ còn vỏn vẹn 30-40 đôi/ngày. Nếu ban quản lý không đồng ý giảm giá thuê sạp, chị sẽ phải chuyển sang chợ khác kinh doanh.

Thời điểm đầu khi vừa kinh doanh ở An Đông Plaza, giá thuê sạp khá rẻ. Sau này giá thuê tăng cao, chị cố gắng lắm mới gồng gánh nổi. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát thì tiểu thương đành "bó tay", không còn trụ nổi với mức giá thuê đó nữa.

"Có những lúc đã 10 ngày trôi qua cũng không thấy khách đâu. Những mối quen bữa mua, bữa không khiến doanh thu giảm gần như 100%. Tiền mặt bằng cao, cũng phải trả lương cho nhân viên mà chúng tôi thì không bán được hàng, không gồng gánh nổi nữa", chị N. than.

Anh V.Đ. (tiểu thương tại chợ) cho biết thuê 4 kho tại An Đông Plaza. Từ tháng 3, anh Đ. nhận được thông báo, từ 2/5, giá sạp sẽ giảm 25%, nhưng tính ra, tiền thuê lại tăng đến 36% so với trước đó.

Cụ thể, giá thuê ở tháng 1/2023 mà anh Đ. phải trả là khoảng 11 triệu đồng/kho, nhưng mức thông báo vừa nhận lại để giá thuê cũ tận 15 triệu đồng (60 triệu đồng cho 4 sạp).

Vì vậy, theo các tiểu thương, thông báo giảm 25% không đúng so với thực tế. Rõ ràng, giá thuê sạp không giảm mà còn tăng đột ngột.

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM đồng loạt đóng sạp - 3

Tiểu thương An Đông Plaza đối thoại cùng đại diện ban quản lý chợ, nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Với mức giá thuê đó, vị chi một năm tôi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê sạp. Số tiền này tôi có thể thuê một căn nhà ở ngoài để làm kho, nhưng do bản thân đã bán ở chợ lâu, thuê kho ở chợ sẽ dễ dàng hơn cho việc kinh doanh nên tôi không thể thuê chỗ khác được", anh Đ. nói.

Chị M. (tiểu thương bán quần áo trẻ em) cho hay, mức thuê gốc từ năm 2016 là hợp lý nhưng đó là thời điểm tiểu thương còn kinh doanh được. Giờ đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, cạnh tranh với thị trường bán hàng trực tuyến, việc buôn bán giảm hẳn. Đơn vị quản lý, theo đó, cần giảm giá thuê mặt bằng để tiểu thương có thể phục hồi kinh doanh.

"Chúng tôi phải đến mức khó khăn lắm mới đứng lên đề nghị Ban quản lý xem xét về giá thuê. Chúng tôi cần thời gian để vực dậy trước đã. Tôi mong cả người mua, thuê sạp hay kho cũng đều được giảm 30% so với giá thuê gốc để yên tâm làm ăn", chị M. nói.

Sáng cùng ngày, tiểu thương tại An Đông Plaza đã có buổi họp với đại diện Ban quản lý chợ. Tại đây, nhiều tiểu thương trình bày tình hình buôn bán ế ẩm, đề nghị được miễn phí thuê trong năm 2023 để có thể... vãn sức. Sang năm tiếp theo, tiểu thương mong muốn sẽ được tiếp tục giảm giá thuê 30% (trên mức giá gốc năm 2016) rồi sau đó tính tiếp.

Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý cho biết chỉ có thể giải đáp những thắc mắc về giá thuê của từng người, còn nguyện vọng của tiểu thương sẽ được trình lên Ban Giám đốc xem xét. Tiểu thương sẽ phải chờ kết quả trong những ngày kế tiếp.

Trước đó, tiểu thương An Đông Plaza đã 3 lần gửi đơn kiến nghị về chính sách cho thuê. Trong đơn, tiểu thương trình bày rằng Ban quản lý phản hồi thỏa đáng trước những quyết định gây khó khăn cho tiểu thương.