Câu chuyện đằng sau chiếc mũ trận của chiến sĩ Điện Biên
(Dân trí) - Chiếc mũ trận được đan bằng tre, bọc lưới hoặc vải dù đã tạo nên hình ảnh bất hủ về người lính giải phóng Điện Biên.
Trong lịch sử 80 năm phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, vật gắn liền với người lính không thể thiếu chiếc mũ trận. Chiếc mũ ấy được thiết kế khác nhau qua từng giai đoạn, nhưng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất về một đội quân, một thời kỳ lịch sử.
Trong các bức ảnh tư liệu về bộ đội Việt Minh giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nổi bật lên hình ảnh chiếc mũ trận hình nón cụt, thường bọc vải hoặc lưới, phía trước có đính huy hiệu ngôi sao 5 cánh.
Chiếc mũ ấy đặc trưng đến nỗi nó được chọn làm ý tưởng kiến trúc cho Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên (Ảnh: Ngọc Tân).
Một chiếc mũ có tính thẩm mỹ, tạo ra ấn tượng đồng đều, chỉnh tề cho cả một đội quân, nhưng trên thực tế lại là sản phẩm tự túc của bộ đội. Bằng tre nứa sẵn có tại núi rừng Việt Bắc và vải dù thu được của lính Pháp, bộ đội Việt Minh đã tự đan mũ và dần dần trở thành một thiết kế đồng nhất trong toàn quân.
Người lính Việt Minh với chiếc mũ nan bọc vải đứng cạnh lính Pháp trong ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội (tháng 10/1954). Có thể thấy trang phục của quân nhân lúc này chưa có dấu hiệu nhận biết cấp bậc thông qua cầu vai và ve áo. (Ảnh từ phim tài liệu của Roman Karmen).
Hình ảnh mũ nan của bộ đội Việt Minh từng được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong bài thơ Việt Bắc: "Những đường Việt Bắc của ta/Ðêm đêm rầm rập như là đất rung/Quân đi điệp điệp trùng trùng/Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bảo tàng Hậu cần cho biết trang bị quân trang đội thời kháng chiến chống Pháp chủ yếu là hàng viện trợ từ nước ngoài kết hợp với sản phẩm mũ nan tre do bộ đội tự làm. Đến năm 1958, ngành quân nhu Việt Nam mới cho ra đời mẫu quân phục đầu tiên thống nhất trong toàn quân.
Nếu xét về công năng bảo vệ người lính trước bom đạn, chiếc mũ nan "tự chế" của bộ đội Việt Minh không thể so sánh với các loại mũ sắt của quân viễn chinh Pháp. Tuy nhiên, những người lính với quân trang đơn sơ đã chiến thắng quân đội trang bị tối tân. Trong ảnh là mũ sắt của lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: Ngọc Tân).
Kết thúc kháng chiến chống Pháp, chiếc mũ nan tre cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, được ngành quân nhu thay thế bằng mũ cối. Mũ cối là trang bị tiêu chuẩn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và các cuộc chiến bảo vệ biên giới sau này.
Mũ được làm bằng giấy bồi hoặc bột giấy ép, bên ngoài bọc vải và cuộn vành. Giai đoạn trước năm 1979, mũ cối chủ yếu được Trung Quốc sản xuất theo đặt hàng của ngành quân nhu Việt Nam. Sau khi xảy ra xung đột biên giới, Việt Nam đã tự chủ sản xuất loại mũ này.
Những năm gần đây, trang phục của bộ đội bắt đầu xuất hiện chiếc mũ A2 thay thế cho mũ cối. Mũ A2 có chất liệu bằng nhựa cứng, không chống được đạn nhưng tạo cảm giác khỏe khoắn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã trang bị mũ sắt, chống đạn cho từng lực lượng cụ thể như lính pháo cao xạ, hải quân đánh bộ...
Tuy nhiên, đến nay chiếc mũ cối vẫn là trang bị cơ bản của quân nhân, lính nghĩa vụ. Chiếc mũ này có chi phí sản xuất rẻ và tính tiện dụng khi dùng trong các nhiệm vụ huấn luyện, lao động, tăng gia sản xuất.
Trong tương lai, với yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, mũ cối có thể được thay thế bằng một loại mũ khác tốt và bền hơn. Tuy nhiên, mũ nan tre thời chống Pháp hay mũ cối thời chống Mỹ vẫn là những chiếc mũ biểu tượng của Bộ đội Cụ Hồ, cho thấy một quân đội với trang bị giản dị vẫn chiến thắng những đạo quân xâm lược được trang bị tối tân.