1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Căng thẳng chờ đại dịch

(Dân trí) - 5 nước trên thế giới đã thông báo có dịch H5N1 trên người. Sở dĩ WHO nhận định Việt Nam là điểm nóng đầu tiên trên thế giới nếu đại dịch xảy ra vì Việt Nam có nguy cơ nhiều người mắc, mà càng nhiều người mắc thì nguy cơ xuất hiện biến chủng virus mới càng cao.

Đại dịch theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì đó không phải do H5N1 gây nên, mà là sự biến chủng, biến đổi gen, tái tổ hợp của một loại virus mới mang độc tính mạnh của H5N1. Khi kết hợp với một chủng virus khác, H5N1 có thể lây lan nhanh như cúm tuýp B, chỉ trong 1 tuần có thể lây lan cả xã, phường, thậm chí cả thành phố. Một chủng virus mới cả thế giới đang căng thẳng chờ đợi mà chưa biết lúc nào xảy ra.

 

Để đối phó với đại dịch này, chúng ta chỉ có cách vệ sinh môi trường. Hàng ngày, hàng tuần tất cả các gia đình có chuồng trại chăn nuôi phải khử trùng, tẩy uế, vệ sinh chuồng trại liên tục. Nếu trong môi trường không còn virus cúm A H5N1 thì chắc chắn không lây sang người, như thế cơ hội để tạo thành chủng virus mới là ít hơn.

 

Dịch cúm mạnh hơn thời điểm năm ngoái

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và cúm ở người chiều 9/11, theo báo cáo của Cục Thú y, so với thời điểm tháng 10, 11/2004, năm nay, dịch cúm gia cầm xảy ra ở phạm vi rộng hơn, mạnh hơn ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

 

Từ 1/10 đến 7/11, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 9 xã, 8 huyện thuộc 6 tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Tổng số gia cầm mắc, chết và tiêu hủy là 20.684 con, trong đó có gần 9.500 con gà và 11.120 vịt, ngan. Tuy nhiên, đến ngày 9/11, khi có báo cáo của các địa phương thì số gia cầm, thuỷ cầm bị tiêu huỷ lớn hơn rất nhiều.

 

Với số lượng gia cầm, thuỷ cầm phải tiêu huỷ, so với thời điểm năm ngoái thì năm nay, dịch diễn biến phức tạp hơn, rộng hơn và mạnh hơn rất nhiều. Cùng thời điểm này năm 2004, dịch ra cầm xảy ra ở 7 xã, 6 huyện, 5 tỉnh và số gia cầm bị chết, tiêu huỷ là 7.500 con. Ở miền Bắc, cùng thời điểm này năm 2004 thì chưa xảy ra dịch gia cầm.

 

Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh trên diện rộng, nhất là bắt đầu vào mùa đông như thời điểm hiện nay. Có đến 60 - 70% gia cầm, thủy cầm mang huyết thanh H5N1, 10 - 15% mang virus H5N1, do vậy nguy cơ dịch cúm là rất lớn.

 

90% số người mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn bày tỏ: “Tôi cho rằng dân vẫn thờ ơ với dịch cúm gia cầm, bằng chứng là ở nhiều nơi vẫn giết mổ gia cầm bừa bãi, ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, vận chuyển, buôn bán khắp nơi”.

 

Tại thời điểm này, việc không ăn các sản phẩm từ gia cầm là rất cần thiết. Nếu có, cần phải nắm rõ nguồn gốc gia cầm, ăn gia cầm đã được kiểm dịch và phải nấu chín kỹ, ở nhiệt độ cao, nấu liên tục.

 

90% số người bị bệnh là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, 10% còn lại không rõ nguyên nhân tại sao lại bị H5N1. Do vậy, người dân phải tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay thường xuyên, sử dụng các sản phẩm sát khuẩn đường hô hấp như đã khuyến cáo.

 

Hồng Hải