1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

H5N1 ở Việt Nam đã có nhiều đột biến nguy hiểm

Các mẫu virus H5N1 lấy từ người và gia cầm ở Việt Nam trong đợt dịch đầu năm nay đã biểu hiện những đột biến nghiêm trọng. Đặc biệt, một đột biến gene đã cho phép loại virus này dễ sinh sản hơn trên động vật có vú.

Đó là kết quả nghiên cứu giải mã bộ gene virus H5N1 ở Việt Nam, do Viện Pasteur TPHCM thực hiện.

Có 24 mẫu virus được giải mã, trong đó, 21 mẫu (16 trên gia cầm và 5 trên người) được giải mã hoàn toàn. Các mẫu virus này đều lấy từ khu vực phía Nam.

Kết quả cho thấy, tất cả các chủng virus gây dịch đều vẫn là type Z - type H5N1 phổ biến nhất của toàn khu vực từ năm 2004. Riêng chủng H5N1 trên người, gia cầm đầu năm nay đã có những đột biến nghiêm trọng, đặc biệt là ở các vùng chức năng chủ yếu của gene.

Theo tiến sĩ Cao Bảo Vân, Trưởng phòng Sinh học phân tử, một khi virus có sự đột biến gene, nó sẽ có sự thay đổi về độc tính và khả năng xâm nhập tế bào. Thông thường, vùng chức năng này khá ổn định, và sự biến đổi như hiện nay có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Cụ thể ở các chủng H5N1 được nghiên cứu, có sự thay đổi về kháng nguyên bề mặt (HA, NA), những vị trí quyết định ký chủ cũng như khu vực quy định độc lực (trên gen HA, PB2, NS).

Đặc biệt, nghiên cứu đã phát hiện đột biến trên gene PB2 trên mẫu virus lấy từ một bệnh nhân cúm A người Đồng Tháp, đã tử vong đầu năm nay. Đột biến này cho phép virus sinh sản hiệu quả trên tế bào động vật có vú và mang độc tính cao.

Tiến sĩ Bảo Vân cho biết, đột biến gene PB2 từng được tìm thấy trên 1 con báo và 1 con hổ ở Thái Lan; đây cũng là nguyên nhân khiến nước này phải tiêu diệt cả đàn hổ vì lo sợ về khả năng lây lan của virus.

Chủng virus trên bệnh nhân kể trên còn có rất nhiều đột biến ở tất cả các gene. Cũng ở virus lấy từ người này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bột biến gene cho phép H5N1 kháng với thuốc Tamiflu. Tất cả các chủng virus khác trong nghiên cứu của Viện Pasteur TPHCM đều có đột biến kháng với các thuốc kháng virus cúm Amantadine, Rimantadine.

Tiến sĩ Bảo Vân nhận định, các phát hiện trên cho thấy virus đã và đang tích hợp các đột biến để thích nghi với những vật chủ mới, đồng thời có thay đổi về độc tính. "Hiện nay, do chưa xác định được H5N1 lây từ gia cầm sang người theo cơ chế nào, có qua động vật trung gian hay không nên chưa thể nói đột biến gene PB2 có làm tăng nguy cơ virus lây từ gia cầm sang động vật có vú (lợn chẳng hạn), để sang người không. Mặt khác, đây cũng chỉ mới là nghiên cứu thực nghiệm trên tế bào. Để kết luận, cần có nghiên cứu sâu rộng hơn" - tiến sĩ Vân nói.

Trả lời về việc đột biến gene PB2 (tăng khả năng sinh sản trên động vật có vú) có làm tăng nguy cơ xuất hiện chủng virus H5N1 lây từ người sang người hay không, tiến sĩ Bảo Vân cho rằng, hiện chưa thể khẳng định. Hiện các nhà khoa học chưa biết để xuất hiện đại dịch cúm lây từ người sang người, H5N1 chỉ cần tích hợp các đột biến để tạo biến thể thích nghi với người, hay phải tái tổ hợp với một chủng virus khác.

Tuy nhiên, những thay đổi vừa được phát hiện đã là một dấu hiệu mang tính cảnh báo rất lớn, cần được quan tâm giám sát chặt chẽ. Việc nghiên cứu những biến đổi trên của H5N1 không chỉ hữu ích trong việc tìm kiếm một chủng virus thích hợp để sản xuất văcxin mà còn gợi ý hướng tìm loại thuốc kháng virus hiệu quả nhất, thay thế cho các thuốc đã giảm tác dụng.

Theo Vnexpress