Huy động cả hệ thống chính trị để dập dịch!
Ngày 12/11, Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn công tác của Chính phủ đã về kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại hai tỉnh Hà Tây và Hà Nam - hai địa phương tiếp giáp và là nơi cung ứng nguồn thực phẩm lớn cho thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, làm cho người dân nhận thức rõ tác hại của dịch bệnh và có biện pháp tự phòng, chống cho bản thân, cộng đồng.
Thủ tướng nêu rõ, địa phương nào để dịch bệnh lây lan gây hậu quả nghiêm trọng, thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Theo Thủ tướng, về lâu dài, tỉnh Hà Tây và Hà Nam cần khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, kết hợp với kiểm dịch tại chỗ và đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm hiện đại. Mỗi địa phương cần từng bước thay đổi cơ cấu trong chăn nuôi để giảm bớt khó khăn và cải thiện đời sống cho nông dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp đầy đủ nguồn vắcxin cho các địa phương và tổ chức mạng lưới thú y nhằm phát hiện sớm dịch. Bộ Y tế phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn thuốc chữa bệnh, thiết bị điều trị và cung ứng đầy đủ khi dịch bệnh xảy ra để hạn chế thiệt hại về người đến mức thấp nhất.
Thủ tướng đã đến thị sát việc phòng, chống dịch cúm gia cầm tại trang trại của anh Đặng Đình Tiên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) đang nuôi 6.700 con gà đẻ trứng; kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón bệnh nhân vào điều trị của Bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Nam.
* Ngày 12/11, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại TP Cần Thơ. Sau khi nghe lãnh đạo thành phố báo cáo công tác triển khai trong thời gian qua, đi thăm Bệnh viện đa khoa thành phố, Bệnh viện 30-4, chợ trung tâm thành phố, Bộ trưởng lưu ý địa phương cần kiểm soát tốt số gia cầm hiện có, phát hiện kịp thời những đàn gia cầm chết không rõ nguyên nhân, có biện pháp ngăn chặn việc nuôi vịt chạy đồng, gia cầm thả rông.
Trước đó, ngày 11/11, Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm tại An Giang. Bộ trưởng cho rằng, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh như hiện nay mới chỉ có thể xử lý trong trường hợp cúm xảy ra trong phạm vi hẹp, với số lượng người bệnh nhỏ lẻ. Sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra đại dịch trên địa bàn có 2,2 triệu dân.
Bộ trưởng lưu ý tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ số lượng và xử lý đối với gia cầm chết, cấm nuôi vịt chạy đồng với những chính sách hỗ trợ cụ thể, thỏa đáng.
* Tại Bến Tre, ngày 11/11, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðào Ðình Bình đã đến chợ trung tâm thị xã Bến Tre, xã Quới Sơn (huyện Châu Thành). Làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, Bộ trưởng lưu ý tỉnh cần có kế hoạch chi tiết, dự kiến các tình huống xấu; tăng cường công tác tuyên truyền, cho người dân cam kết không được chăn nuôi, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm bất hợp pháp...
* Ngày 11/11, Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc kiểm tra tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Bạc Liêu. Ðến nay, tỉnh đã tổ chức tiêm phòng mũi 2 cho hơn 52 nghìn con gia cầm, tiêu hủy hơn 7.000 con. Tỉnh cũng đã dự trù 22 tỷ đồng cho chiến dịch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.
Bộ trưởng đánh giá Bạc Liêu có nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm cao, cần làm tốt công tác tuyên truyền; chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất để điều trị bệnh cúm ở người. Các cấp, các ngành cần thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cúm gia cầm.
* Ngày 12/11, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Cà Mau. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng đi thăm một số cơ sở chăn nuôi và y tế. Bộ trưởng lưu ý tỉnh cần triển khai quyết liệt hơn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đề cao vai trò của lực lượng y tế cơ sở trong phát hiện và sơ cứu người bị nhiễm vi-rút cúm H5, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi, lưu thông, giết mổ gia cầm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin, hạn chế nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm.
* Theo Cục Thú y, đến nay, cả nước đã có 54 tỉnh, thành phố triển khai tiêm phòng vắc-xin cho tổng số 96 triệu lượt gia cầm, trong đó các tỉnh Nam Ðịnh, Tiền Giang và Bắc Ninh đã hoàn thành tiêm phòng vắc-xin mũi 2 cho tổng số 16,15 triệu lượt con.
* Trước tình trạng tiêu thụ gia cầm khó khăn và giá gia cầm giảm nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho người sản xuất và kinh doanh gia cầm, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng bốn giải pháp tiêu thụ gia cầm: Cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung; tổ chức thu mua, giết mổ, bảo quản, dự trữ sản phẩm gia cầm đến thời gian xuất bán; bù giá thu mua gia cầm với giá thấp nhất bằng giá thành sản xuất; hỗ trợ kinh phí giết mổ, bảo quản, dự trữ sản phẩm gia cầm.
Theo Tiền Phong/Tổng hợp từ TTXVN