1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bỏ sổ hộ khẩu vẫn giữ điều kiện thường trú, tạm trú?

Thái Anh

(Dân trí) - Dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) đưa ra thảo luận tại Quốc hội sáng 21/10 nêu các phương án quy định về điều kiện đăng ký thường trú, thời hạn tạm trú với người ở nhà thuê, mượn…

Bỏ sổ hộ khẩu vẫn giữ điều kiện thường trú, tạm trú? - 1
Phương thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã duy trì nhiều chục năm qua.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tại khoản 3 Điều 20 dự thảo luật đưa ra 2 phương án về điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ.

Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên.

Ký báo cáo gửi Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nội dung này Chính phủ thống nhất theo đa số ý kiến của đại biểu theo Phương án 1 là quy định về diện tích nhà ở bình quân tối thiểu/người làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, cần quy định mức tối thiểu là không dưới 8 m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Qua các lần thảo luận trước, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thêm tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Nêu quan điểm, Chính phủ bảo lưu quan điểm, không nên quy định tiêu chí này vì đây là quy định để hạn chế công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc Trung ương được đăng ký thường trú vào các đô thị này của Luật Cư trú hiện hành; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, không nên tiếp tục giữ quy định này và mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các tỉnh trong cả nước.

Về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú, tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định 2 phương án.

Phương án 1: Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Phương án 2: Không có khoản này (tức là không quy định về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú).

Vấn đề này, Chính phủ đề xuất lựa chọn theo Phương án 1. Cụ thể, dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) cần quy định về thời hạn tạm trú và gia hạn tạm trú để phù hợp với đặc điểm, khái niệm trong giải thích từ ngữ về “nơi tạm trú” quy định tại khoản 11 Điều 2 dự thảo Luật là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Hai là để phân biệt nơi tạm trú với nơi thường trú (là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài, không xác định thời hạn).

Quy định này cũng kế thừa quy định còn phù hợp với thực tiễn của Luật Cư trú hiện hành (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú hiện hành quy định Sổ tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng, hết thời hạn tạm trú công dân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn).

Bộ trưởng Tô lâm giải thích, để bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú, nếu người đã đăng ký tạm trú mà không còn cư trú ở địa điểm đã đăng ký và không làm thủ tục gia hạn tạm trú thì sẽ bị xóa đăng ký tạm trú.

Về quy định chuyển tiếp liên quan đến chính sách lớn nhất của dự thảo luật là bỏ hộ khẩu giấy, tại khoản 3 Điều 38 dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Phương  án 1: Quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Phương án 2 (như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9): Quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2021).

Chính phủ thống nhất để 2 phương án như trên để trình Quốc hội xem xét, quyết định.