1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân thực hiện thủ tục hành chính như thế nào?

(Dân trí) - Sổ hộ khẩu hiện là căn cứ để người dân thực hiện các giao dịch, từ cư trú tới công việc, học hành, hưởng thừa kế tới mua bán điện, nước, đăng ký điện thoại… Sổ hộ khẩu đang được đề xuất xóa bỏ.

Bỏ cả điều kiện “nhập khẩu” Hà Nội?

Trình dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 22/4, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về những điểm mới sẽ thực hiện.

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân thực hiện thủ tục hành chính như thế nào? - 1
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình dự luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Trước hết, phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sang quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, các quy định về: sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu được bãi bỏ.

Nội dung quản lý cư dân thay đổi theo hướng, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú (không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy).

Việc thay đổi phương thức quản lý, bỏ sổ hộ khẩu dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân như thủ tục cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ tạm trú, gia hạn tạm trú…

Điểm mới nổi bật khác, theo Đại tướng Tô Lâm là về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, Chính phủ muốn bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các địa phơng này là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Bộ trưởng Công an nêu rõ, theo nguyên tắc này, cần bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Hà Nội.

Đánh giá tác động việc bỏ sổ hộ khẩu

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân thực hiện thủ tục hành chính như thế nào? - 2

Các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất thay đổi phương thức quản lý cư trú, bỏ sổ hộ khẩu.

Thống nhất với những quan điểm đề ra của cơ quan soạn thảo luật nhưng UB Pháp luật của Quốc hội, khi thẩm tra dự luật, lưu ý, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chính phủ cho biết, đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan trình luật làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để làm cơ sở cho việc quản lý công dân theo phương thức mới.

Nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú cũng là vấn đề gây lo ngại. Một thực tế khác, đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, đã chậm tiến độ so với yêu cầu là chậm nhất từ 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua cơ sở dữ liệu này.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng muốn Bộ Công an đánh giá rõ hơn những tác động của việc bỏ sổ hộ khẩu tới các thủ tục về giáo dục, bảo hiểm y tế, việc xác định quan hệ nhân thân để thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân như hưởng thừa kế, chăm sóc, nuôi dưỡng người phụ thuộc. Theo rà soát của UB Pháp luật, hiện có 27 thủ tục hành chính được quy định trong các văn bản dưới luật cần có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thực hiện.

Lãnh đạo cơ quan thẩm tra cũng nêu vấn đề, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân hiện nay, sổ hộ khẩu là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn sổ hộ khẩu thì sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch này vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết.

Tương tự, đối với đề xuất bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, UB Pháp luật tán thành về quan điểm.

Quy định tại khoản 1, Điều 21 dự thảo luật “công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó” được cho là sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.

Lý do nữa thuyết phục cơ quan thẩm tra với việc bỏ quy định hạn chế nhập khẩu vào các thành phố này là, luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Dù vậy, UB Pháp luật cũng yêu cầu Bộ Công an đánh giá kỹ tác động của việc bỏ các quy định riêng này; đồng thời, đề xuất các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế - xã hội... để một mặt vẫn quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học, bảo đảm an ninh, trật tự tại các thành phố trực thuộc trung ương, nhất là khu vực nội thành; mặt khác, bảo đảm khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp số lượng người đến cư trú ở các địa phương này tăng nhanh do bỏ quy định hạn chế nhập khẩu.

Phương Thảo