Băng tan ở Trung Quốc sẽ “khử” được mặn ở ĐBSCL?
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, hi vọng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2016 băng tuyết ở Trung Quốc sẽ tan thành nước chảy vào sông Mê Kông nhiều hơn. Khi đó, nước ngọt sẽ tràn về ĐBSCL của Việt Nam, đẩy nước mặn đi và hạn hán sẽ giảm bớt.
Hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến nặng nề hơn!
Phát biểu tại Hội thảo với các Đối tác phát triển và Nhà tài trợ ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL là do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có hiện tượng El-Nino. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, tình trạng thiên tai này còn lặp lại thường xuyên và có thể gay gắt hơn trong tương lai.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán đã xuất hiện ở Việt Nam từ giữa năm 2014. Năm 2015, hạn hán diễn ra ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL, gây thiệt hại:
Khu vực Trung Bộ: 36.000ha dừng sản xuất, 10.000ha chuyển sang cây trồng cạn, 33.000ha bị hạn, 30.000 người bị thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương bị ảnh hưởng như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị, Bình Thuận.
Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: 95.000ha cây trồng bị hạn. 19.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Nam Trung Bộ: Diện tích hồ chứa hiện tại: Đà Nẵng đến Phú Yên: 60-80% dung tích thiết kế (DTTK); Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận: 30-50% DTTK. Dự báo nhiều hồ sẽ cạn nước, không đảm bảo tưới cho vụ Hè Thu 2016.
Ảnh hưởng đến dân sinh: 23.000ha dừng sản xuất, trong đó. 87.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra hạn hán còn làm nguồn thức ăn, nước uống cho chăn nuôi thiếu trầm trọng.
Dự báo vụ Hè Thu 2016: 40.000 ha phải dừng sản xuất, hạn hán còn diễn ra trên diện rộng và thiếu nước trầm trọng.
Tây Nguyên: Dung tích trữ hồ chứa: Còn lại 50-60% DTTK, 60 hồ ở tỉnh Đắk Lắk đã cạn. Ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất: 2.800ha lúa dừng sản xuất, 8.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo đến cuối tháng 4/2016 có 150.000ha cây trồng bị hạn, 34.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
ĐBSCL: Phạm vi xâm nhập mặn: Khu vực sông Vàm Cỏ: 90-93km, sâu hơn TBNN 10-15km; các cửa sông Tiền: 45-65km, sâu hơn TBNN 20-25km; các cửa sông Hậu: 55-60km, sâu hơn TBNN 15-20km; ven biển Tây: 60-65km, sâu hơn TBNN 5-10km. Tình trạng này dự báo còn kéo dài đến tháng 6/2016.
Ảnh hưởng đến trồng trọt: 160.000ha lúa bị thiệt hại. 155.000 hộ đang thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt với giá “cắt cổ” 60-80.000 đồng/m3.
Lâm nghiệp: cảnh báo cháy rừng cấp IV, V. Thủy sản: ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm và phát triển dịch bệnh.
Dự báo: 500.000ha lúa Hè Thu không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, tiếp tục thiếu nước sinh hoạt.
Xả nước hồ chứa ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam chống hạn, mặn?
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Nhà nước đang nỗ lực hết sức để tìm giải pháp cũng như hỗ trợ nhân dân các vùng nói trên để đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, nhằm đưa ra dự báo, hướng dẫn nhân dân điều chỉnh lại cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhà nước đã chi 700 tỷ đồng để xây dựng các công trình đập tạm để ngăn nước mặn, giữ nước ngọt ở lại đồng ruộng. Xây dựng các trạm bơm nước ngọt, hồ chứa nước ngọt, các hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân vùng hạn hán. Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để nhân dân có tiền mua giống cho vụ tiếp theo, kiên quyết không để cho người dân nào đói, cung cấp lương thực cho bà con thiếu ăn.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sang làm việc và đàm phán với Trung Quốc xả nước tại các hồ chứa để lượng nước sông Mê Kông tăng lên, nước ngọt từ con sông này đổ vào Việt Nam cũng sẽ nhiều lên hỗ trợ rất tốt cho việc đối phó với xâm nhập mặn và hạn hán ở ĐBSCL.
“Tình hình hạn hạn, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, có thể sẽ khốc liệt hơn. Từ đó ta phải suy nghĩ, tính toán các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn để đối phó. Hi vọng, cuối tháng 4 đầu tháng 5/2016 băng tuyết ở Trung Quốc sẽ tan, từ đó nước sông Mê Kông sẽ tăng lên, nước ngọt từ con sông này đổ về ĐBSCL nhiều hơn từ đó sẽ đẩy nước mặn ra xa hơn, công tác khắc phục xâm nhập mặn cũng nhờ đó thuận lợi hơn” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.
Tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đề nghị Việt Nam cần đánh giá lại 1 cách chi tiết hơn tình hình thiệt hại của từng vùng cụ thể. Từ đó, mới có những giải pháp cụ thể hơn, từng bước như cấp bách, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cũng từ những đánh giá chi tiết, cụ thể này, các tổ chức trên thế giới, các nhà tài trợ sẽ có phương án hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cụ thể để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL.
Nguyễn Dương