1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL mất trắng 81.000 ha tôm nuôi do hạn, mặn

(Dân trí) - Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), qua thống kê đến ngày 17/5/2016, 8 tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL đã bị thiệt hại hơn 81.000 ha tôm nuôi do hạn, mặn.

Cà Mau là tỉnh có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng nhất do hạn, mặn ở ĐBSCL. (Ảnh: Tuấn Thanh)
Cà Mau là tỉnh có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng nhất do hạn, mặn ở ĐBSCL. (Ảnh: Tuấn Thanh)

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, năm 2016, nhiệt độ trung bình ở các tỉnh ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1- 1,5 độ C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33- 37 độ C, nắng nóng xuất hiện sớm. Lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30- 50%, một số nơi thiếu hụt lên đến 80%.

Bên cạnh đó, xuất hiện khô hạn gay gắt trong nửa đầu năm 2016. Mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm 2 tháng, khả năng kết thúc lại muộn hơn 1 tháng. Xâm nhập mặn “ăn” sâu vào ĐBSCL và luôn duy trì ở mức cao, từ 50- 70km tính từ cửa sông, có thời kỳ hơn 70km.

"Chính điều kiện môi trường, thời tiết xấu tác động làm các diện tích nuôi tôm phương thức thâm canh, bán thâm canh bị ảnh hưởng khi độ mặn tăng cao và thiếu nước ngọt bổ sung, không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi", lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhận định.

Qua thống kê sơ bộ tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), tính đến ngày 17/5/2016, đã có trên 81.400 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu là ở vùng nuôi quảng canh, tôm-lúa; trong đó tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nhất, tiếp đến là Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng,…

Ghi nhận tại tỉnh Cà Mau cho thấy, độ mặn trên các tuyến sông hiện nay dao động từ 36- 42%o, trong ao nuôi từ 40- 55%o, thậm chí có nơi lên đến 60%o. Ở những vùng nuôi nằm sâu trong nội đồng do điều kiện khó trao đổi nước nên độ mặn thường cao hơn những vùng nuôi ven biển. Đến thời điểm hiện tại, ước thiệt hại trên tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến khoảng gần 52.500 ha, chiếm gần 20% diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến toàn tỉnh. Nếu ước chi phí 1ha khoảng 5 triệu đồng thì tổng giá trị thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương trước mắt là thống kê đầy đủ và kịp thời hỗ trợ cho người dân nuôi tôm bị thiệt hại. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương trước mắt là thống kê đầy đủ và kịp thời hỗ trợ cho người dân nuôi tôm bị thiệt hại. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Qua khảo sát tại một số địa bàn và báo cáo của địa phương, tại Hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn, mặn ở vùng ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/5 tại tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đánh giá, tình hình hạn, mặn đã tác động rất nghiêm trọng đến sản xuất tôm nuôi ở một số nơi. Đối với một số hộ gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nuôi tôm-lúa, tôm quảng canh, cần có sự hỗ trợ kịp thời thì mới giúp người dân vượt qua khó khăn.

Giải pháp cấp bách trước mắt với tình hình thiệt hại tôm nuôi, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, các địa phương cần tổ chức thống kê thiệt hại và đánh giá đúng tình hình thiệt hại ở các phương thức nuôi khác nhau; đối với những khu vực, địa phương bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu thì cần tổ chức đoàn công tác xuống địa phương giúp dân khôi phục sản xuất.

“Trên cơ sở nắm thiệt hại, các tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại nặng. Nếu các địa phương theo tình hình cần công bố thiên tai thiệt hại tôm thì sớm khẩn trương tham mưu để tỉnh bổ sung, còn nếu không được thì thống kê thiệt hại xong, trình Chủ tịch tỉnh xác nhận diện tích, hộ thiệt hại để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân”, Thứ trưởng Tám nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, ngoài hạn, mặn thì thời gian tới các địa phương cũng phải chú ý đến tình hình dự báo hiện tượng La Nina. Nếu không có giải pháp căn cơ và dự báo trước, sau hạn mặn, chúng ta sẽ đối phó rất lúng túng với La Nina tới đây.

“Giả sử xảy ra mưa lớn, nếu không củng cố bờ bao ngay từ bây giờ thì đến khi mưa lũ lớn, chúng ta sẽ rất lúng túng và lại tiếp tục bị thiệt hại đối với diện tích thả nuôi”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Cà Mau hỗ trợ dân hơn 86 tỷ đồng

Hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn đã khiến người dân ở ĐBSCL lao đao.
Hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn đã khiến người dân ở ĐBSCL lao đao.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến hết tháng 4/2016, qua thống kê của ngành NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có 36.000 hộ dân sản xuất lúa bị thiệt hại do hạn, mặn, với tổng diện tích trên 52.800 ha.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 14.400 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, trong đó có trên 8.000 hộ cần hỗ trợ nước khẩn cấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân. Như đối với những hộ nghèo, chính sách có điều kiện kinh tế khó khăn được hỗ trợ 20.000 đồng/m3 chi phí mua nước, vận chuyển nước; tổ chức vận chuyển nước ngọt cung cấp miễn phí cho hộ dân tại đảo Hòn Chuối với 120m3 nước sinh hoạt.

Sau khi rà soát, các địa phương đang triển khai hỗ trợ lương thực cho 1.300 hộ, với trên 5.300 nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói (định mức 30 ký gạo/khẩu/2 tháng).

Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền trên 86 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh 20% còn lại là ngân sách huyện.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai nguồn kinh phí gần 18 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng đầu tư các công trình thủy lợi tại các địa phương đang bức xúc.

Trước tình hình khó khăn trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, khắc phục giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn. Xem công tác này là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của địa phương, đơn vị trong thời điểm hiện nay.

Huỳnh Hải - Tuấn Thanh

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt