1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

40 dự án BOT "có vấn đề", đề nghị giảm thu phí 120 năm

(Dân trí) - Báo cáo kết quả kiểm toán việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ GTVT được Kiểm toán nhà nước gửi tới Quốc hội nêu danh sách thêm 40 dự án BOT có vấn đề trong việc tính tổng mức đầu tư, thời gian thu phí…

Báo cáo cho biết, từ năm 2002 đến nay, Bộ đã thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư , gồm 68 dự án BOT, 4 dự án BT; 1 dự án BOO và 2 dự án vừa BOT và BT với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 230.000 tỉ đồng.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2017) có 57 dự án hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giải quyết tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

Dù vậy, kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các dự án.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm cả thời gian thu phí và giảm tài chính đối với 40 dự án BOT mới được kiểm toán
Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm cả thời gian thu phí và giảm tài chính đối với 40 dự án BOT mới được kiểm toán

Trước hết, cơ quan kiểm toán nêu vấn đề, Bộ GTVT không gửi danh mục dự án đến các bộ, ngành và địa phương có liên quan để lấy ý kiến khi xây dựng và phê duyệt danh mục 66 dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP. Có 49/75 dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt.

56/75 dự án với chiều dài 2.535 km là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do ngân sách đầu tư từ trước. Chỉ có 19 dự án đầu tư mới với chiều dài 526 km. Con số như vậy thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầu tư mới 2.629km trong danh mục kêu gọi đầu tư được phê duyệt.

Ngoài ra, theo Kiểm toán nhà nước, Bộ GTVT còn bổ sung 15 hạng mục (ngoài nội dung, phạm vi đầu tư ban đầu) của 8 dự án trị giá 17.483 tỉ đồng khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và UBND tỉnh.

74/75 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số Nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực như nhà đầu tư dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa.

Qua kiểm toán chi tiết 40 dự án cho thấy nhiều sai phạm khác, như đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn với các khoản tiền lên đến nhiều nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, có 1 dự án tính chi phí trích lập quỹ dự phòng duy tu bảo dưỡng hơn 600 tỉ đồng, 5 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công trên 1.400 tỉ đồng, 15 dự án không tính hoàn thuế giá trị gia tăng đối chi phí đầu tư xấp xỉ 1.700 tỉ đồng, 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác 940 tỉ đồng chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính.

71/75 dự án đưa chi phí dự phòng 27.400 tỉ đồng vào phương án tài chính để tính thời gian thu phí hoàn vốn khi chưa xác định được nhiệm vụ chi và trong hợp đồng cũng không có điều khoản thỏa thuận liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí này khi phát sinh nhiệm vụ chi.

Việc lập phương án tài chính cũng còn nhiều thiếu sót. Năm 2015, khi điều chỉnh phương án tài chính tuyến Tây Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6, các bên xác định mức tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 trung bình 3,7%, thấp hơn thực tế 15,3%.

Dự án cầu Yên Lệnh tính thuế thu nhập doanh nghiệp 6% cho toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng mà không xác định theo quy định (10% và được miễn trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). Năm 2012 dự án cầu Yên Lệnh ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng đưa chi phí sửa chữa của năm 2012 vào năm 2005, dẫn đến phương án tài chính chưa chính xác.

Sai sót tiếp theo là tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn, dự án thấp nhất là 11%, dự án cao nhất là 13%.

Với sai sót nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính, báo cáo nêu tên các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063 877 - Km1092 577, tỉnh Quảng Ngãi; dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987 560 - Km2014 000, tỉnh Tiền Giang; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km2118 600 - Km2127 320,75 và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng của Quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu Km 2169 056,65 - Km 2178 126,79 và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1, tỉnh Bạc Liêu; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thành phố Uông Bí – TP.Hạ Long.

Về vấn đề đặt trạm thu phí, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, vị trí đặt một số trạm chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Việc triển khai thu phí tự động không dừng còn chậm, mới có 33/87 trạm thu phí tự động không dừng kết hợp với thu phí 1 dừng vào hoạt động. Ngoài ra còn 25/87 trạm thu phí chưa hoạt động, chưa có chủ trương thu phí tự động.

Vấn đề nghiệm thu, thanh toán được kết luận là còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo...

Báo cáo kiểm toán thể hiện, Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng. Năm 2016 trở về trước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án.

Thái Anh