1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Có quan chức nào có 4-5 nhà mà đứng tên mình đâu!"

(Dân trí) - “Bây giờ có quan chức nào có 4 - 5 cái nhà mà lấy tên mình, vợ mình đâu. Toàn lấy tên người thân, mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai”, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ nói.

Sáng 13/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - cho rằng, việc kê khai tài sản nên tập trung vào 1 số đối tượng là người thân của quan chức, bao gồm: con, bố mẹ, anh chị em ruột và kể cả anh chị em bên chồng, bên vợ, con nuôi...

Tuy nhiên, theo ông Đạt, dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận tại hội trường không đưa việc kê khai tài sản người thân vào. “Ban đầu ban soạn thảo có đề nghị như vậy nhưng nhiều cơ quan không đồng ý, bây giờ chỉ có quy định con chưa vị thành niên và vợ chồng thôi”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, nếu xây dựng luật theo hướng đó mà tài sản đứng tên anh, chị em, bố mẹ của quan chức thì không có cơ sở để xử lý.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Ảnh: Như Phúc)
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Ảnh: Như Phúc)

Về ý kiến mở rộng đối tượng kê khai thì không kiểm soát được, theo ông Đạt, nếu thật sự muốn quản lý, kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả người thân quan chức.

“Bây giờ có ai là quan chức có 4, 5 cái nhà mà lấy tên mình, vợ mình đâu. Toàn lấy tên những người thân cả. Mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai”, ông Đạt phân tích.

Từ thực tế, ông Đạt cho rằng, vấn đề trên là kẽ hở để quan chức để tài sản cho người thân đứng tên. “Bây giờ biết nhiều quan chức đưa tài sản cho người khác nhưng mình không thể làm gì được vì không có quy định. Những người được chuyển giao tài sản họ nó tôi có phải đối tượng kê khai tài sản đâu mà hỏi thế. Họ nói tài sản đó tôi làm ra đấy, còn nếu tôi làm sai thì các anh bắt đi. Làm sao mà bắt được!”, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng chỉ rõ bất cập.

Ông Đạt cho hay, nếu ban soạn thảo bảo vệ được quan điểm trên thì đã không quy định đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc. Bởi đã là tài sản không chứng mình được nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu luôn.

“Có người bảo như thế là hợp pháp hóa tham nhũng nhưng không phải. Bởi vì thuế cứ thuế, phạt cứ phạt nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện ra tài sản này là tham nhũng vẫn khởi tố, không loại trừ trách nhiệm hình sự”, ông Đạt nói thêm.

Trước ý kiến về việc vừa qua, ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng lại xảy ra nguy cơ tham nhũng, ông Đạt cho rằng, đây cũng là một cơ quan như các cơ quan khác, cán bộ trong cơ quan này cũng là con người, công chức viên chức bình thường. Vì vậy, để phòng tránh được nguy cơ xảy ra tham nhũng thì phải tăng cường rèn luyện, quản lý nghiêm ngặt.

“Thực tế thì cũng có thể xảy ra một vài trường hợp tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Vấn đề là phải giáo dục và quản lý chặt”, ông Phạm Trọng Đạt nêu quan điểm.

Quang Phong