1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 13 % thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia đào tạo

(Dân trí) - “Từ đầu năm tới nay, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi là 6,43 %, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Trong khi đó, 13,3 % thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo…”.

Hơn 13 % thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo

Nhiều thách thức 

Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội thảo định hướng nghề và việc làm cho thanh niên trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình do Cục Việc làm và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức sáng 6/12 tại Hà Nội.

Đánh giá cao vai trò tham gia vào lĩnh vực việc làm và nghề nghiệp của thanh niên, ông Tào Bằng Huy cho biết thanh niên với đặc thù có sức khỏe trẻ, năng động và có tinh thần học hỏi, thích nghi nhanh khi môi trường làm việc thay đổi.

“Cả nước hiện có trên 13 triệu lao động trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 24 % lực lượng lao động. Đây chính là tương lai của đất nước. Việc phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trẻ, tận dụng tốt cơ hội trong thời kỳ dân số vàng chính là thúc đẩy sự phát triển của đất nước” - Phó Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội thảo. 

Hơn 13 % thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia đào tạo - 1

“Thực tế khá đặc thù ở Việt Nam, thanh niên có trình độ học vấn cao lại có xu hướng thất nghiệp ngày càng nhiều. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, khoảng 70 - 80 % thanh niên thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên…” - ông Tào Bằng Huy cho biết.

Bên cạnh đó, với tư cách đại diện cơ quan xây dựng chính sách về việc làm, ông Tào Bằng Huy cũng thẳng thắn nêu ra những bất lợi về khả năng tiếp cận thị trường lao động của lao động trẻ.

“Ngoài tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới là 6,43 %, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Cả nước có tới 13,3 % thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo. Chất lượng việc làm thấp với trên 50 % thanh niên làm công hưởng lương và 39,5 % thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương nhau lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương” - ông Tào Bằng Huy cảnh báo. 

Dù trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, khu vực nông nghiệp với năng suất lao động vẫn thấp và phải gánh tới nguồn việc làm cho 1/3 thanh niên.

Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc làm việc trái ngành, trái nghề còn diễn ra phố biển. 

Tìm giải pháp

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện các cơ quan chức năng đã bàn thảo về các giải pháp hỗ trợ thanh niên tiếp cận hiệu quả với việc làm bền vững.

Theo ông Đỗ Văn Giang - Vụ Phó Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), công tác định hướng phân luồng thanh niên cần được chú trọng và thực hiện có hiệu quả hơn. Điều này chính là sự điều chỉnh từ xa nhằm tránh tình trạng dư thừa lao động có bằng cấp nhưng thiếu lao động có tay nghề. 

Hơn 13 % thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia đào tạo - 2

“Tăng cường đổi mới chính sách và cơ chế, đẩy mạnh tuyên truyền cùng với việc nâng chất lượng công tác đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với việc làm…”- ông Đỗ Văn Giang nhận định.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng và hoàn thiện quy trình đào tạo liên thông các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đổi mới công tác dự báo nguồn nhân lực, tư vấn hướng nghiệp. 

Theo ông Tào Bằng Huy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên. Nhiều bộ luật đã được ban hành nhằm cụ thể hoá chủ trương trên, như: Luật thanh niên (năm 2005), Luật việc làm (năm 2013).

Đồng thời, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 ...cũng đã được ban hành. 

Đây là những nền tảng quan trọng cho công tác triển khai chính sách việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên.

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong giải quyết việc làm bền vững cho thanh niên” - ông Tào Bằng Huy cho biết. 

Đồng quan điểm về những cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng 4.0 tới thanh niên, bà Hà Thị Minh Đức - Vụ Phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng cần chú trọng tới nhóm giải pháp, gồm: Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và tăng cường quản lý lao động di cư.

Trong đó, yếu tố tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu với việc chủ động đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc phát huy hơn nữa ứn dụng CNTT, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và tăng cường các ứng dụng chuyên ngành vào sản xuất kinh doanh.

Hoàng Mạnh