Quảng Trị:

Bỏ ngang quản lý nhà hàng, thanh niên trẻ về quê nuôi dế mèn, thu gần 150 triệu đồng/năm

(Dân trí) - Ngoài việc chủ động được nguồn giống nuôi, chàng trai trẻ đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành. Trang trại nuôi dế của thanh niên này đã mang đến nguồn thu đáng mơ ước, gần 150 triệu đồng/năm.

Làm chơi, thu tiền thật

Cách đây một năm, chàng trai 9X Nguyễn Anh Tuấn (SN 1993, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi dế, người dân trong xã đều ngỡ ngàng.

Bởi thời điểm này, nuôi dế là mô hình khá mới lạ tại địa phương. Tuy vậy, chàng trai trẻ quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi dế mèn.

Bỏ ngang quản lý nhà hàng, thanh niên trẻ về quê nuôi dế mèn, thu gần 150 triệu đồng/năm - 1

Sau gần 1 năm thử nghiệm, mô hình nuôi dế của Tuấn được cho là thành công bước đầu.

Từng có thời gian làm quản lý nhà hàng tại TP Huế, Tuấn đã nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ đối với loại thực phẩm côn trùng này. Dế mèn được xem là món nhậu khoái khẩu của nhiều người.

Mô hình nuôi dế mèn mang lại thu nhập ổn định cho chàng trai 9x

Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, Tuấn học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi dế trên mạng, đọc các tài liệu. Sau khi nắm vững kỹ thuật, Tuấn mua giống và nuôi thử.

Với số tiền tích luỹ được ban đầu khoảng 20 triệu đồng, Tuấn đầu tư làm chuồng nuôi và mua giống. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong gia đình để giảm chi phí mua thức ăn bên ngoài.

Bỏ ngang quản lý nhà hàng, thanh niên trẻ về quê nuôi dế mèn, thu gần 150 triệu đồng/năm - 2

Dế sinh trưởng tốt trong chuồng nuôi.

Đến nay, Tuấn nuôi dế với quy mô 60m2, làm thành 15 chuồng dế, mỗi chuồng có diện tích 2m2.

Theo chàng trai trẻ, kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, cần chuồng trại khô thoáng. Sử dụng thức ăn rau cỏ, tránh thuốc trừ sâu để dế khỏi bị chết. Ngoài thức ăn rau, cỏ thì có thể bổ sung thêm cám gạo.

Tuấn nói rằng, trong vòng 2 tháng có thể thu hoạch. Lúc trời rét thì để đèn sưởi. Mùa nắng thì dế phát triển tốt hơn.

Trong mỗi năm, thu nhập từ nuôi dế mang lại cho chàng trai trẻ từ 120-150 triệu. Tính trung bình mỗi tháng, trừ chi phí cũng lãi từ 6-7 triệu đồng.

Hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người nuôi

Tuấn chia sẻ, hiện nay anh đã hoàn toàn chủ động nguồn giống để nuôi. Nhờ nguồn giống có sẵn mà Tuấn nuôi xen kẽ để tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo đầu ra sản phẩm liên tục.

Bỏ ngang quản lý nhà hàng, thanh niên trẻ về quê nuôi dế mèn, thu gần 150 triệu đồng/năm - 3

Mỗi chuồng nuôi cho từ 5 kg dế thành phẩm.

“Nuôi dế không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn. Quan trọng nhất là phải nắm kỹ thuật nuôi, theo dõi từng thời điểm phát triển của dế. Bên cạnh đó, phải chú trọng nguồn thức ăn của dế từ khi nhỏ cho đến khi thành sản phẩm”, Tuấn cho hay.

Tuấn nói rằng, dế thu hoạch bao nhiêu đều được bán hết. Dế thành phẩm được Tuấn cung ứng tại nhiều nơi ở Quảng Trị, Huế và Quảng Bình. Không chỉ các quán nhậu mà các cơ sở nuôi chim cảnh cũng là thị trường tiềm năng tiêu thụ dế mèn.

Bỏ ngang quản lý nhà hàng, thanh niên trẻ về quê nuôi dế mèn, thu gần 150 triệu đồng/năm - 4

Dế phát triển được 1 tháng nuôi.

Hiện mô hình nuôi dế của Tuấn trở thành điểm tham quan của nhiều đoàn viên. Được sự hỗ trợ của huyện Đoàn Triệu Phong, Tuấn mở rộng thêm quy mô nuôi dế. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và nhận bao tiêu sản phẩm cho khoảng 10 người tại địa phương.

Tuấn nói rằng, mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, làm tăng hiệu quả kinh tế.

Đ. Đức