Bình Định làm tour riêng hút khách đến tháp Chăm nghìn năm tuổi

Doãn Công

(Dân trí) - Với việc xây dựng các tour riêng biệt, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, số hóa di tích 8 cụm tháp gồm 14 ngôi tháp Chăm niên đại trên dưới 1.000 năm, Bình Định kỳ vọng sẽ hút mạnh mẽ du khách.

Ngày 22/11, Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp cùng Sở Du lịch Bình Định tổ chức tọa đàm "Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh trong phát triển du lịch" với sự tham gia của nhiều chuyên gia về văn hóa, du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Bình Định làm tour riêng hút khách đến tháp Chăm nghìn năm tuổi - 1

Bình Định đang xây dựng các chương trình nghệ thuật khi du khách đến thăm các di tích tháp Chăm cổ (Ảnh: Doãn Công).

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cho biết tỉnh hiện còn 8 cụm với 14 ngôi tháp Chăm niên đại trên dưới 1.000 năm, phân bố ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát.

Kiến trúc đền tháp Chăm Bình Định có quy mô lớn, còn khá nguyên vẹn, mang phong cách kiến trúc độc đáo của thời kỳ Vijaya. Ngoài ra, còn có 3 di tích thành cổ (thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại), 6 di tích khu lò gốm cổ, 45 phế tích kiến trúc nằm rải rác trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, cụm tháp Dương Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, các cụm tháp còn lại xếp hạng di tích quốc gia.

Bình Định làm tour riêng hút khách đến tháp Chăm nghìn năm tuổi - 2

Tháp Bánh Ít ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Ảnh: Doãn Công).

"Bên cạnh giá trị độc đáo của các công trình kiến trúc đền tháp, các di tích văn hóa Champa, Bình Định có nhiều tác phẩm điêu khắc đá và điêu khắc đất nung hiếm quý. Hiện có 9 tác phẩm điêu khắc đá được công nhận bảo vật quốc gia. Có thể nói, hệ thống di tích văn hóa Champa ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và là nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa mang đặc trưng vùng miền độc đáo", ông Chánh nói.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho hay đây là cơ hội tốt để các bên liên quan cùng chuyên gia trao đổi, đưa ra những giải pháp tối ưu trong việc bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị tháp Chăm Bình Định. Qua đó, đề xuất những giải pháp gắn kết các tour du lịch với hệ thống di tích tháp Chăm để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Cụ thể, liên kết các tour du lịch đưa du khách, nhất là khách nước ngoài, đến với các tháp Chăm; mở tour riêng biệt về tháp Chăm, văn hóa Chăm Bình Định; số hóa di tích tháp Chăm bằng các ngôn ngữ khác nhau; tổ chức một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật Champa tại các sân tháp…

Ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bình Định cho rằng cần phải đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng thiết yếu đối với các di tích tháp Chăm bằng chú trọng tôn tạo cảnh quan bên trong và bên ngoài, đảm bảo môi trường, nhà vệ sinh sạch, đẹp…. Đồng thời, xây dựng khuôn viên sân khấu một cách bài bản, đảm bảo tính mỹ thuật và hài hòa với không gian của di tích để phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường xuyên…

Trong khi đó, đại diện Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở Du lịch tỉnh Bình Định đề xuất giải pháp, để hoạt động du lịch bền vững, cần thực hiện quy hoạch, chọn lựa những tháp Chăm đặc trưng, thuận lợi cho việc đưa đón khách đến tham quan du lịch; đa dạng hóa các hoạt động tại tháp Chăm.

Theo Sở Du lịch Bình Định, ngành du lịch tỉnh này đang có sự hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế 10 tháng năm 2022, ngành du lịch tỉnh nhà ước đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có gần 62.500 lượt khách quốc tế. Dự kiến, đến hết năm 2022, tỉnh sẽ đón khoảng 4,1 triệu lượt khách.