DMagazine

"Sử gia" của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân

(Dân trí) - Không muốn lịch sử của ngôi làng cổ bị lãng quên, ông Đặng Dùng đã góp nhặt những câu chuyện của làng mình để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Người dân nơi đây thường gọi ông Dùng là "sử gia của làng".

Không muốn lịch sử của ngôi làng cổ bị lãng quên, ông Đặng Dùng đã góp nhặt những câu chuyện của làng mình để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Người dân nơi đây thường gọi ông Dùng là "sử gia của làng".

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 1

Sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), ông Đặng Dùng (SN 1949) không nhớ từ bao giờ đã rất quan tâm đến văn hóa, lịch sử của làng mình.

Nhiều người gọi ông là "sử gia của làng" hay "nhà Nam Ô học" nhưng ông chưa bao giờ nhận điều đó. Ông chỉ nhận mình là "người quan tâm quá đáng đến xứ sở mình đang sống".

Đi đâu, nghe những bậc cao niên trong làng kể chuyện, ông luôn chăm chú lắng nghe, ghi chép lại. Hễ tìm được cuốn sách nào nói về câu chuyện của làng mình, ông đem ra đối chiếu, nghiên cứu…

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 3

Như cái tên Nam Ô, nhiều người vẫn suy đoán Nam Ô là "cửa ngõ phía Nam của Châu Ô". Nhưng ông Dùng lại bảo không phải "cửa ngõ" hay "cửa ô" gì cả.

Theo ông Dùng, cái tên Nam Ô xuất phát từ Nam Ổ. Nam Ổ vốn là một nhà trạm - nhà công vụ được thiết lập bên cạnh đường cái từ thời Gia Long thứ 15. Từ Lạng Sơn đến Bình Thuận có cả thảy 98 nhà trạm để cho quan dân đi lại nghỉ ngơi và chuyển tiếp công văn, thư từ từ kinh đô đến các địa phương trong nước và ngược lại.

Tên Nam Ổ xuất hiện lần đầu vào năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) như Đại Nam Nhất Thống Chí trang 375 đã ghi trong mục nhà trạm: "Trạm Nam Ổ đặt ở xã Cu Đê, nguyên trước là trạm Cu Đê. Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên trạm Nam Hoa, Thiệu Trị (1841) như hiện nay".

Riêng từ Ổ thành từ Ô, tác giả Nguyễn Minh Triều ghi trong sách Quảng Nam - Đà Nẵng qua các triều đại phong kiến: "Nam Ô lần hồi các công văn, văn bản, bản đồ của người Pháp, tiếng Pháp không dấu thanh, cứ thế gọi Nam Ô lâu ngày thành quen".

Những cái giếng cổ ở làng cũng được ông Dùng tìm hiểu kỹ. Hiện tại làng Nam Ô còn lưu giữ nhiều giếng cổ. Giếng có 4 cạnh hình vuông được ghép bằng những tấm đá thanh dày độ trên 10cm, rộng 0,45cm, chồng ghép lên nhau từ mạch nước ngầm lên mặt đất.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 5

Có đến 8 cái giếng như thế gồm giếng Đình, giếng Thành Chung, giếng Lăng, giếng Chùa, giếng Cồn Trò, giếng Quán Hoa Ổ (bà Bang), giếng bến đò Cu Đê (ông Sõi), giếng Tú Lâm.

"Theo các cụ trong làng, những giếng ấy có tuổi đời trên dưới 300 năm nhờ dòng lưu khắc trên trụ mỗi giếng, những lạc khoản này đến bây giờ ta không đọc được bởi đã bị lớp vữa xi măng che khuất khi sau này người ta xây thêm để tránh nguy hiểm vì sự sụt lún của các giếng. Ngày nay, tại làng Nam Ô hiện chỉ còn 4 giếng hiện thấy trên mặt đất, dưới mắt nhìn", ông Dùng cho hay.

Ông Dùng cho biết thêm, nhiều nhà nghiên cứu khi đến Nam Ô khảo sát các giếng này đã đưa ra nhận định rằng đây là những giếng của người Chăm bản địa để lại trên đất này, nhưng cũng có người không thích yếu tố ngoại lai đã giành lại, bảo rằng đó là sản phẩm của người Đại Việt.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 7
Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 9

Ông Dùng đang ấp ủ kế hoạch xuất bản cuốn sách "Nam Ô và những chuyện kể" dài khoảng 400 trang do ông biên soạn. Tuy nhiên, việc in ấn cần kinh phí nên ông Dùng đang chờ sự tài trợ.

Sau khi sách được in ấn, sách không chỉ tặng bà con trong làng mà ông Dùng còn tặng bạn bè muôn phương để nhiều người biết đến lịch sử làng mình.

Quá trình tìm tòi, nghiên cứu về làng mình, ông Dùng cũng đã trả lời cho câu hỏi: "Tại sao những chuyện mang tính quốc gia đại sự lại gắn với làng mình?"

Theo ông Dùng, bởi làng Nam Ô nằm ở trung lộ của đất nước, bên lề lịch sử. Những đội nam chinh bắc chiến đều đi qua vùng đất này nên nhiều câu chuyện xảy ra gắn liền với sự kiện lớn trong lịch sử.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 11

Ông Lưu Anh Rô - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng - cho hay, làng Nam Ô là làng biển cổ nổi tiếng điển hình của TP Đà Nẵng. Ở đây hội tụ tất cả những các điểm nhấn đặc sắc, nơi có nhiều giá trị văn hóa lâu đời gắn kết, có sự giao lưu văn hóa Việt - Chăm, tạo bản lề cho Đại Việt tiến về phương Nam.

Điều này được thể hiện rất rõ qua những di tích lịch sử như Lăng Ông hay Miếu thờ bà Liễu Hạnh, Dinh Cô Hồn, Giếng làng…

 "Ông Dùng rất yêu vùng đất của mình, rất mong muốn tìm hiểu lịch sử cha ông, đặc biệt là chịu khó ghi chép lại những ký ức của bà con trong làng; chịu khó đọc lại những văn bản, giấy tờ, những ký ức còn sót lại trong các kế ước, gia phả, những bài văn cúng… Những cái đó đã tạo cho ông Dùng một hiểu biết rất sâu sắc về làng của mình", ông Rô nhận xét.

Ông Rô cho hay, ông Dùng có hình thành một bản thảo cuốn sách viết về làng Nam Ô. Hiện Hội khoa học lịch sử Việt Nam đang làm việc với Nhà xuất bản Đà Nẵng để giúp ông Dùng in ấn cuốn sách này.

"Việc làm của ông Dùng xét ở 2 góc độ là rất yêu quê hương và muốn ghi lại những ký ức của làng để lưu truyền. Đó không chỉ cho làng Nam Ô nhỏ bé của ông Dùng mà ghi lại nền văn hóa còn lại tương đối nguyên sơ của văn hóa biển Đà Nẵng. Nói đến Đà Nẵng không thể bỏ qua làng Nam Ô của ông Đặng Dùng. Chúng ta phải cảm ơn ông ấy ở 2 góc độ này", ông Rô cho biết thêm.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 13
Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 15

Nội dung: Khánh Hồng

Thiết kế: Thủy Tiên