Những giọt mồ hôi phía sau tiếng trống múa lân
(Dân trí) - Đằng sau những màn biểu diễn múa lân ấn tượng là cả một quá trình tập luyện gian nan, vất vả của những thành viên trong đoàn Lân Sư Rồng.
Nét văn hóa nghệ thuật Lân Sư Rồng là một truyền thống lâu đời không thể thiếu mỗi khi Tết đến. Theo quan niệm của Á Đông, con Lân, Sư và Rồng là những con vật mang lại sự may mắn thịnh vượng.
Trong ảnh, các thành viên của đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường (quận Bình Tân) đang tập múa trên Mai Hoa Thung.
Các thành viên đội lân đang chuẩn bị cho buổi tập của mình.
Đôi giày của các thành viên tham gia múa lân được thiết kế đặc biệt, mô phỏng theo móng của Lân, Sư và Rồng.
Một buổi diễn chính thức có thời gian khoảng một tiếng đồng hồ. Trong đó, bao gồm những bài biểu diễn như lân múa trên Mai Hoa Thung, lân trèo cây, Sư tử múa trên bàn... do đó các thành viên phải có đầy đủ thể lực và nắm chắc các kỹ thuật.
"Mai Hoa Thung là bài diễn có độ khó cao, đòi hỏi người tập phải dành nhiều thời gian, công sức để rèn luyện. Bài diễn này gồm có 2 người hóa thân thành con lân nhảy múa trên những cây cột (độ cao từ 1,5m đến 2,5m) tượng trưng cho các dãy núi cao. Các thành viên sẽ phải dành trung bình 1-3 năm để thành thục được bài diễn này", ông Lưu Hoán Phi - trưởng đoàn Lân Sư Rồng Nhơn Nghĩa Đường chia sẻ.
Anh Khải và Bin đang thực hiện động tác nhào lộn từ Mai Hoa Thung xuống đất.
"Anh em phải tập thường xuyên để giữ được cảm giác tốt trong từng động tác, nghỉ một ngày là mất cảm giác ngay", ông Phi nói.
Ông Phi luôn theo sát chỉ bảo các thành viên trong đoàn lân ở mỗi buổi tập. Vừa để giúp anh em tránh chấn thương, vừa truyền lại kinh nghiệm của bản thân.
Ngoài kỹ thuật cá nhân, múa lân còn đòi hỏi các thành viên có sự gắn kết chặt chẽ để thực hiện một bài diễn hoàn hảo.
Để tránh chấn thương, mọi người trong đoàn lân phải khởi động trước khi buổi tập bắt đầu.
Anh Linh - một thành viên đã gắn bó lâu năm với đoàn lân đang thực hiện kỹ thuật trèo cây.
Phút nghỉ ngơi của các thành viên sau khi kết thúc buổi tập.
Anh Tuấn, một thành viên của đoàn lân, cho biết: "Từ ngày theo nghề múa lân, không có năm nào ăn Tết với gia đình. Có năm, đi diễn nhiều, anh em tận 30 người ở cùng với nhau trong một nhà nên vui lắm".
Các thành viên thường sẽ có mặt sớm tại điểm diễn để cùng nhau chuẩn bị.
Chấn thương là một phần không thể thiếu trong bộ môn này.
Những tràn pháo tay đến từ khán giả trước một tiết mục biểu diễn của đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường.
Để có một vở diễn thành công, đem lại niềm vui cho khán giả, các thành viên của đoàn Lân Sư Rồng phải đổ nhiều mồ hôi trong quá trình tập luyện. Chỉ có niềm đam mê cháy bỏng mới có thể giúp những thành viên giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật biểu diễn công phu này.