(Dân trí) - Trong lịch sử điện ảnh, có những vai diễn "biểu tượng sex" được giao cho những diễn viên mới ở độ tuổi từ 12 - 15. Công việc, cuộc sống sau này của các diễn viên "nhí" bị ảnh hưởng như thế nào?
Những cô bé, cậu bé 12 - 15 tuổi đã trở thành "biểu tượng sex" trên phim
Trong lịch sử điện ảnh, có những vai diễn "biểu tượng sex" được giao cho những diễn viên mới ở độ tuổi từ 12 - 15. Công việc, cuộc sống sau này của các diễn viên "nhí" bị ảnh hưởng như thế nào?
Jodie Foster vào vai gái mại dâm năm 12 tuổi trong "Taxi Driver" (1976)
Nữ diễn viên Jodie Foster ngay lập tức được nhìn nhận là tài năng diễn xuất ở Hollywood sau vai diễn gái mại dâm trong "Taxi Driver" (Tài xế taxi - 1976), khi đóng vai này, Foster mới 12 tuổi. Ở tại thời điểm khi phim ra mắt, truyền thông và dư luận Mỹ đã rất tranh cãi xung quanh quyết định giao vai diễn cô gái mại dâm Iris cho nữ diễn viên 12 tuổi - Jodie Foster.
Nhưng trước sau gì, đối với Jodie Foster (hiện 58 tuổi), bà luôn trân trọng vai diễn trong "Taxi Driver", bà biết đó là vai diễn điểm nhấn trong sự nghiệp của mình và không bao giờ hối tiếc vì đã đảm nhận vai diễn này.
Jodie Foster cho biết rằng trước khi được đảm nhận vai Iris - cô gái hành nghề mại dâm trong "Taxi Driver", bà đã phải trải qua hàng loạt những bài kiểm tra tâm lý kỹ càng với những nội dung kiểm tra rất rộng, rất chi tiết. Các bài kiểm tra được thực hiện với các giáo sư tâm lý học khi ấy đang giảng dạy tại một trường Đại học danh tiếng ở Los Angeles, Mỹ.
Chính kết luận của các giáo sư sẽ quyết định xem cô bé Jodie Foster 12 tuổi khi ấy có đủ năng lực tâm lý, sự vững vàng tinh thần để đảm nhận một vai khó như vậy hay không, và liệu Foster có đủ khả năng thoát vai và không bị tác động tâm lý dài lâu hay không...
Trong "Taxi Driver", nhân vật Iris mà Foster đảm nhận cũng là một cô gái chưa đủ tuổi thành niên nhưng vì dòng đời xô đẩy mà trở thành gái mại dâm.
Bà Jodie Foster chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay: "Đối với tôi, "Taxi Driver" là một bộ phim có tính bước ngoặt đối với nền công nghiệp điện ảnh ở Hollywood, phim được thực hiện trong giai đoạn vàng của điện ảnh Mỹ, đó là một phim nghệ thuật giàu ý nghĩa, và tôi trước sau gì cũng luôn tự hào vì đã xuất hiện trong phim này. Đó là định mệnh, đó là số phận, và tôi thấy mình may mắn vì nhận được vai Iris".
Khi đảm nhận vai Iris, Jodie Foster đã nhận được đề cử dành cho Nữ phụ xuất sắc tại giải Oscar. Đây là đề cử đầu tiên mà Foster nhận được, về sau này, nữ diễn viên còn nhận được 3 đề cử dành cho Nữ chính xuất sắc tại giải Oscar.
"Taxi Driver" được xem là một phim Mỹ kinh điển, đứng thứ 47 trong danh sách 100 phim Mỹ xuất sắc nhất do Viện Phim Mỹ xếp hạng. Phim được đạo diễn bởi Martin Scorsese, lấy bối cảnh một thành phố New York đang có nhiều bất ổn hồi cuối thập niên 1970.
Về Jodie Foster, sau này, nữ diễn viên được nhìn nhận là một trong những nữ diễn viên xuất sắc nhất trong thế hệ mình. Sự nghiệp của Jodie Foster nhận về vô số giải thưởng, trong đó có 2 giải Oscar, 3 giải Quả Cầu Vàng.
Brooke Shields vào vai gái mại dâm năm 12 tuổi trong phim "Pretty Baby" (1978)
Nữ diễn viên Brooke Shields từng vào vai Violet trong bộ phim "Pretty Baby" (Cô bé xinh đẹp - 1978). Bộ phim của đạo diễn Louis Malle xoay quanh một cô bé 12 tuổi sống trong khu phố "đèn đỏ" ở New Orleans, Mỹ, hồi đầu thế kỷ 20.
Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình nhưng cũng gây nên tranh cãi dữ dội, bởi phim khắc họa tệ nạn mại dâm và nhân vật chính của phim là một cô bé 12 tuổi. Phim có những cảnh khỏa thân của Brooke Shields, khi đó, nữ diễn viên nhí cũng mới 12 tuổi.
Trong phim, Brooke Shields (hiện 56 tuổi) vào vai Violet, một cô bé sống trong một nhà thổ cùng với người mẹ vốn hành nghề mại dâm (vai diễn do nữ diễn viên Susan Sarandon thủ vai). Sau khi trinh tiết của Violet bị đem bán, cô bé cũng đi vào con đường nghiệt ngã giống như người mẹ của mình, những biến động dần xảy ra trong cuộc đời Violet.
Vai diễn Violet có nhiều cảnh khỏa thân, nhân vật xuất hiện trong những bối cảnh gợi dục. Mặc dù vậy, trước sau gì, Brooke Shields vẫn khẳng định rằng bà không bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã từng nhận vai diễn Violet.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, nữ diễn viên người Mỹ - Brooke Shields thêm một lần nữa khẳng định rằng bà không bị tổn thương hay gặp phải hệ lụy gì sau khi đảm nhận vai Violet trong "Pretty Baby".
Nữ diễn viên nhìn nhận lại về vai diễn này sau gần 45 năm rằng: "Việc có gặp phải hệ lụy từ vai diễn hay không tùy thuộc vào cách bạn có lựa chọn để mình trở thành nạn nhân hay không. Tôi không phải người thích tự cho mình là nạn nhân".
Khi bước ra khỏi dự án phim "Pretty Baby", Brooke Shields từng trấn an dư luận bằng câu khẳng định ngắn gọn: "Đó chỉ là một vai diễn. Cháu sẽ không lớn lên và trở thành Violet đâu".
Natalie Portman ghê sợ vai diễn đầu đời trong "Léon: The Professional" (1994)
"Léon: The Professional" (1994) là bộ phim đầu tiên mà Natalie Portman tham gia diễn xuất. Khi ấy, Portman mới 11 tuổi, bộ phim kể về hành trình luyện tập để trở thành sát thủ của cô bé Mathilda dưới sự huấn luyện của một sát thủ đích thực - Léon, sau khi cả gia đình cô bé bị băng nhóm xã hội đen sát hại. Bộ phim này khá gây tranh cãi trong sự nghiệp của đạo diễn Luc Besson.
Vai diễn đòi hỏi nhiều sự trưởng thành vượt tuổi ở Natalie Portman. Có những cảnh đòi hỏi phải hút thuốc, phim có những cảnh bạo lực không phù hợp với tâm lý thiếu niên. Nhưng Portman đã đưa lại một màn diễn xuất ấn tượng.
Khía cạnh gây tranh cãi nhất trong phim là những ẩn ý về mối tình thầm lặng giữa cô bé Mathilda và Léon - người đàn ông trung niên làm nghề sát thủ, đang bảo vệ và huấn luyện cho cô. Trong những cảnh phim bị cắt để phim có thể ra rạp tại một số quốc gia, có cảnh Mathilda và sát thủ Léon cùng đi vào một nhà hàng, Mathilda uống rượu say rồi nhiều lần muốn hôn sát thủ Léon.
Hơn thế, cách tạo hình cho nhân vật Mathilda cũng khó có thể nói là không mang những ẩn ý về tính dục đặt vào hình ảnh một cô bé mới lớn.
Về sau, khi đã ở tuổi trưởng thành, Portman chia sẻ rằng cô từng bị khủng hoảng sau bộ phim này. Sau khi phim ra mắt, cô rất phấn khích khi nhận được thư của fan hâm mộ, nhưng trong một lá thư, một người đàn ông đã viết về chuyện tình giả tưởng giữa ông ta và nhân vật Mathilda…
Portman cho biết kể từ sau khi nhận được lá thư "kinh dị" đó, cô đã quyết định thay đổi cách lựa chọn vai diễn, cứ vai diễn nào có cảnh hôn, cảnh nhạy cảm là Portman từ chối, cô sợ những vai diễn sẽ khiến mình trở thành "biểu tượng sex".
"Tôi biết rằng nếu mình tiếp tục thể hiện bản thân qua những vai diễn có nhiều tính dục, tôi sẽ còn cảm thấy bất an", Portman từng nói.
Trải nghiệm của Natalie Portman với vai diễn mang tính dục ở tuổi 13 dù tiêu cực nhưng không quá nặng nề, về sau, cô đã có thể vượt qua cái bóng của vai diễn đầu "nặng ký", tiếp tục gây dựng một sự nghiệp diễn xuất thành công.
Björn Andrésen trở thành biểu tượng của tình yêu đồng giới ở tuổi 15
Bộ phim "Death In Venice" (1971) của đạo diễn người Ý Luchino Visconti (1906 - 1976) kể câu chuyện về một nhà soạn nhạc đang trong những ngày tháng cuối đời vì vật lộn với bệnh tim.
Ông này thực hiện một kỳ nghỉ ở Venice (Ý) với mục đích thư giãn, dưỡng bệnh. Trong khi lưu lại trong một khách sạn, ông bất ngờ bị thu hút bởi một cậu thiếu niên có tên Tadzio cũng đang có kỳ nghỉ ở Venice cùng với gia đình. Trong bộ phim này, vai diễn Tadzio được xem như một biểu tượng của cái đẹp hoàn mỹ, đồng thời là biểu tượng của khát khao dục vọng đồng tính.
Vai diễn Tadzio được giao cho nam diễn viên người Thụy Điển Björn Andrésen khi đó 15 tuổi. Khi tìm diễn viên đảm nhận vai Tadzio, đạo diễn Visconti từng tuyên bố, ông cần "một cậu thiếu niên đẹp trai nhất thế giới", và diện mạo của Björn Andrésen cho tới giờ vẫn được xem là quá đỗi ấn tượng để vào vai Tadzio.
Bộ phim "Death In Venice" khắc họa một tình yêu đồng giới không lời, trong đó, nhà soạn nhạc Gustav von Aschenbach (nam diễn viên Dirk Bogarde) bất ngờ rung động trước một cậu thiếu niên đẹp như tượng tạc - Tadzio (Björn Andrésen). Về sau này, "Death In Venice" cũng được xem như bộ phim điện ảnh có tính chất biểu tượng trong khắc họa tình yêu đồng giới.
Với vai diễn trong "Death In Venice", cậu thiếu niên Björn Andrésen ngay lập tức được biết tới. Nhưng những gì diễn ra sau đó là bi kịch.
Chính ông Andrésen bây giờ, ở tuổi 66, đã phải thốt lên rằng hẳn cuộc sống của ông sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu ông chưa từng gặp đạo diễn Visconti, ông Andrésen cho tới giờ vẫn cảm thấy khốn khổ trước cách đạo diễn Visconti biến mình trở thành một biểu tượng của dục vọng đồng tính.
Andrésen cho biết trong những năm tháng trưởng thành đầy hoang mang, rối loạn, ông đã bị nghiện rượu và trầm cảm. Cuộc sống của ông đến nay vẫn luôn có những sự hỗn loạn của một người có vấn đề tâm lý bất ổn.
Sau phim "Death In Venice", Andrésen là khát khao của nhiều người đồng tính. Cậu thiếu niên khi ấy đã nhận được rất nhiều thư từ của fan, đó là những thanh thiếu niên hay những người đàn ông đứng tuổi..., tất cả họ đều bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Andrésen.
Sau này, Andrésen không thể vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của vai diễn trong "Death In Venice". Cuộc sống của ông Andrésen hiện tại cũng khá eo hẹp, chật vật và bấp bênh.
Thời trẻ, ông từng kết hôn với nữ nhà thơ Suzanna Roman và có một cô con gái. Bi kịch xảy tới khi cậu con trai 9 tháng tuổi của họ đột ngột qua đời. Khi ấy, Andrésen đang nằm trên giường bên cạnh con trai, ông đang say xỉn sau một đêm ra ngoài vui chơi, người vợ đưa con gái đi học, khi bà trở về, cậu con trai đã qua đời.
Sự việc đó gây ám ảnh đối với Andrésen, ông tự trách mình rất nhiều. Vợ chồng ông Andrésen chia tay sau bi kịch này: "Sau đó, tôi liền rơi vào trầm cảm, nghiện rượu và suy sụp".