DNews

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn

Hạnh Linh

(Dân trí) - Gần 500 năm qua, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (hay còn gọi là kinh đô Nam triều), một thời là kinh đô kháng chiến, đóng vai trò quan trọng trong việc trung hưng nhà Lê, nay chỉ còn là phế tích.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn

Lời tòa soạn:

Ở thế kỷ XVI, vùng đất xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay vốn là kinh đô kháng chiến mang tên Vạn Lại - Yên Trường. Gần 500 năm qua, kinh đô từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê dường như đang bị quên lãng.

Với mong muốn tìm lại giá trị lịch sử ở kinh đô kháng chiến, phóng viên báo Dân trí cùng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh "mục sở thị", tìm hiểu các tư liệu, cũng như những chứng tích còn sót lại qua loạt bài: "Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô thời loạn".

Đất nước thời 2 vương triều, 2 kinh đô

Theo chân nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Thọ Xuân (Thanh Hóa), chúng tôi có dịp trở về vùng đất Vạn Lại - Yên Trường, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa (nay thuộc xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 1

Con đường dẫn vào hành cung Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn (Video: Hạnh Linh).

Nơi đây từ năm 1546 đến năm 1593 đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhà Lê trung hưng đất nước, là kinh đô kháng chiến chống nhà Mạc.

Trong cuốn sách "Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường", Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2021 có ghi: "Những năm cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê (năm 1527), nhà Mạc đã lùng sục khắp nơi nhằm tiêu diệt con cháu nhà Lê và quan lại trung thành với nhà Lê.

Giữa bối cảnh đó, năm Quý Tỵ 1533, Hưng quốc công Nguyễn Kim (người Bái Trang, huyện Tống Sơn, nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) đã tìm được Lê Ninh (một người con của vua Lê Chiêu Tông) liền rước sang Ai Lao (nước Lào) rồi lập làm vua, đặt niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ nhất.

Đến năm Ất Tỵ 1545, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim mất, toàn bộ binh quyền giao lại cho Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim).

Năm Bính Ngọ 1546, Trịnh Kiểm rước vua về ở hành điện Vạn Lại (nay là xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa); đồng thời, lấy Vạn Lại - Yên Trường xây dựng kinh đô, nhằm khẳng định quyền thống trị của vua Lê và nêu cao ngọn cờ phù Lê chống Mạc để quy tụ muôn dân".

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 2

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh dâng hương ở nơi được xác định là nghinh môn của hành điện Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

Cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" (tập III), "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" (tập II) có ghi: "Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng, lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 3

Nghinh môn xưa được bao bọc bởi rừng cao su bạt ngàn, cỏ cây xanh mướt (Ảnh: Hạnh Linh).

Một triều đình đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên. Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc quyền họ Mạc.

Năm 1533, trước sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng, thấy rằng Vạn Lại gần Lam Kinh, địa thế lúc này trở nên chật hẹp, mà… "địa thế An (Yên) Trường (nay thuộc xã Thọ Lập - Thọ Xuân) cách Vạn Lại khoảng 4km về phía đông thì phía tả có núi, phía hữu có sông cái, hình thế rộng rãi, hiểm trở…", Trịnh Kiểm bèn cho dời hành điện đến đó.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 4

Nơi được xác định là cung điện xưa giờ là đồi cao su thuộc thôn 7, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân (Ảnh: Hạnh Linh).

Từ năm 1546 đến năm 1593, Vạn Lại - Yên Trường thay nhau trở thành trung tâm của triều đình, hành điện được chuyển qua, chuyển lại giữa 2 nơi đã được chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư":

"Từ năm Bính Ngọ (1546) đến năm Quý Sửu (1553) ở Vạn Lại. Từ tháng 6 năm Quý Sửu (1553) đến tháng 4 năm Canh Ngọ (1570) di dời về Yên Trường. Từ tháng 5 năm Canh Ngọ (1570) đến tháng 8 năm Đinh Sửu (1577) di dời về Vạn Lại.

Từ tháng 9 năm Đinh Sửu (1577) đến tháng 6 năm Mậu Dần (1578) di dời về Yên Trường. Từ tháng 7 năm Mậu Dần (1578) đến tháng 3 năm Quý Tỵ (1593) ở Vạn Lại cho đến khi vua di dời ra kinh thành Thăng Long".

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 5

Một cặp linh thú voi, ngựa ở cửa nghinh môn thuộc hành cung Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

Trong khoảng thời gian gần 50 năm đóng vai trò là kinh đô kháng chiến của nhà Lê Trung Hưng, trên vùng đất Vạn Lại - Yên Trường đã bao lần diễn ra những trận chiến ác liệt của cuộc chiến tranh giữa nhà Lê - Trịnh với nhà Mạc.

Sách "Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường", nêu: "Hành điện Vạn Lại được dựng lên trên dáng đất hình quốc ấn, với một triều đình trung hưng uy nghiêm, có đầy đủ bá quan văn, võ điều hành cuộc chiến, đánh lui quân Mạc, chiếm lại kinh thành Thăng Long, lấy lại đất nước cho nhà Lê sau hơn sáu mươi năm bị nhà Mạc tiếm ngôi".

Nơi 3 đời vua Lê lên ngôi

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, hành điện là nơi vua làm việc ở ngoài kinh thành, bởi kinh thành lúc này đã bị chiếm đóng.

Khi thành lập hành điện ở Vạn Lại, nước Đại Việt như muốn chứng minh với nhà Minh rằng, vua Lê đang tồn tại, nhà Lê là chủ quyền của đất nước này. Giữa Lê và Mạc có đánh nhau như thế nào thì đó là việc nội bộ của nước Nam.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 6

Cặp giếng Mắt Rồng còn sót lại ở kinh thành Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Mai Ngọc).

Tồn tại gần nửa thế kỷ (1546-1593), nơi đây đã diễn ra nhiều buổi thượng triều bàn luận những quyết sách quan trọng như chống Mạc, phục hồi kinh tế, chính sách văn hóa - xã hội, giao thương với nước ngoài của 4 đời vua: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông.

Trong sách "Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường", có chép: "Cũng chính nơi đây, có 3 đức vua gồm Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông lên ngôi. Khi băng hà, 2 đức vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông đã an nghỉ tại đây. Do biến cố của lịch sử nay chỉ còn là phế tích, không ai ghi chép, hoặc truyền khẩu lại hình dáng, cấu kết của hành điện như thế nào?".

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 7

Nơi được xác định là đàn Nam Giao thuộc thành lũy Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Hạnh Linh).

Khi triều đình nhà Lê trở lại Thăng Long, qua nhiều biến thiên của thời cuộc, kinh đô Vạn Lại dần trở thành phế tích. 

"Có tài liệu nói quân Tây Sơn lần đầu tiến quân ra Bắc khi đến Thanh Hóa đã tàn phá Lam Kinh và Vạn Lại để xóa mọi dấu vết của nhà Lê. Và rất có thể người dân nơi đây buộc phải lưu tán khỏi cố đô", ông Hùng phỏng đoán.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 8

Tượng phỗng thời Lê Trung Hưng còn sót lại ở hành dinh Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo dòng chảy của lịch sử, hành cung Vạn Lại - Yên Trường cách chúng ta gần 500 năm giờ chỉ còn những chứng tích ít ỏi. Tất cả dường như bị lãng quên, nhiều vị trí cỏ cây mọc um tùm, có nguy cơ trở thành phế tích.

Tại xã Thuận Minh - nơi được xác định là cửa nghinh môn của hành cung xưa - còn 2 cặp linh vật gồm 2 voi đá quỳ, 2 ngựa đá đứng. Các linh vật nằm trên nền bê tông, lọt thỏm giữa rừng cao su, cỏ cây bao bọc.

Những chứng tích khác như 2 giếng Mắt Rồng, giếng Ẩm, đàn tế Nam Giao cũng bị cây cỏ vây quanh, um tùm, xanh tốt.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 9

Một đoạn tường thành của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường nay là cánh đồng canh tác tại thôn 3, xã Thuận Minh (Ảnh: Hạnh Linh).

Tại thôn 2 và 3, xã Thọ Lập còn rải rác một số tượng phỗng quỳ bằng đá, miệng giếng nước ngầm… trong khu dân cư.

"Mỗi địa danh, chứng tích còn sót lại đều minh chứng rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1546 đến năm 1593, Vạn Lại - Yên Trường là kinh đô của nhà Lê Trung Hưng", nhà nghiên cứu Hoàng Hùng khẳng định.

Những chứng tích sót lại ở kinh đô thời loạn - 10

Vị trí kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Maps).