(Dân trí) - Trước đây, những hộ dân trồng cà phê ở Sơn La chỉ trồng, hái và bán cà phê thô. Từ khi có sự chung tay của doanh nghiệp, bà con đã có thể chủ động trong quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Trước đây, những hộ dân trồng cà phê ở Sơn La chỉ trồng, hái và bán cà phê thô. Từ khi có sự chung tay của doanh nghiệp, bà con đã có thể chủ động trong quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Nằm trên vùng núi phía Tây Bắc, Sơn La sở hữu hệ thống núi non trùng điệp, độ cao phổ biến từ 600m - 1200m, xen kẽ các thung lũng với cao nguyên, tạo nên các tiểu vùng khí hậu đa dạng, ôn hòa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Điều kiện thổ nhưỡng với nền đất đỏ dày và phì nhiêu là điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê Arabica (cà phê chè).
Nhờ sự "hòa quyện" giữa điều kiện tự nhiên lý tưởng, phương thức canh tác bài bản và bàn tay chăm sóc của con người, cà phê Arabica Sơn La được đánh giá cao về chất lượng. Hạt cà phê mang bản sắc riêng của vùng đất Tây Bắc với hương trái cây, vị chua thanh xen lẫn vị đắng nhẹ đã chinh phục thị trường trong nước và thế giới.
Đến nay, Sơn La được biết đến là vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, tính đến năm 2021, diện tích trồng cà phê ở Sơn La đạt 17.759,66 ha; diện tích cho thu hoạch 15.174,5 ha, sản lượng cà phê nhân ước đạt 29.881 tấn. Tổng sản lượng quả chế biến trên 90.000 tấn quả tươi/năm, đạt 100% mục tiêu đề ra.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp và 121 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tiểu thủ công nghiệp quy mô hộ gia đình tham gia chế biến cà phê quả tươi có hệ thống xử lý thu gom chất thải, đảm bảo về môi trường và lắp đặt camera giám sát các hoạt động chế biến.
Năm 2017, cà phê Arabica Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Nhờ đó, cà phê trở thành cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân và các doanh nghiệp chế biến, sản xuất cà phê trên địa bàn.
Được xem là "mỏ vàng đen" của nông nghiệp Sơn La, nhưng bên cạnh những thành tựu về sản xuất và xuất khẩu, ngành cà phê vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng biến đổi khí hậu, mùa mưa tập trung gây xói mòn, rửa trôi đất làm giảm độ phì của đất. Sương muối ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cây cà phê và đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp cà phê nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo đúng quy trình thu hoạch cà phê theo hướng chất lượng cao. Theo đó, vẫn còn số ít nông dân thu hoạch quả chín bằng cách tuốt cành, lẫn cả quả xanh thay vì chỉ chọn lọc quả đỏ.
Nhận thấy những "lỗ hổng" trong sản xuất, kinh doanh của ngành cà phê Sơn La, Tập đoàn Cà phê Minh Tiến (tiền thân là công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến) luôn trăn trở về trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ bà con nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong nước và quốc tế.
Hơn 30 năm về trước, khi lần đầu đặt chân đến vùng đất Tây Bắc này, Tập đoàn Cà phê Minh Tiến (tiền thân là công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến) đã hình thành ý tưởng kết nối người trồng, các đối tác và người uống cà phê thông qua chuỗi khép kín trồng trọt - chế biến - tiêu thụ.
Với khát vọng "Nâng tầm giá trị nguyên bản" của hạt cà phê Arabica Sơn La, Minh Tiến sát cánh cùng hàng ngàn hộ nông dân nơi đây, xây dựng nhóm quản lý, kỹ sư theo vùng để tạo điều kiện giám sát; hỗ trợ phân phối cây giống và đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ; đào tạo kỹ thuật canh tác khoa học, bền vững.
Trước đây, người nông dân thu hoạch cà phê bằng cách tuốt cành để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công nhưng năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng do tỷ lệ quả xanh quá nhiều. Từ khi được đội ngũ kỹ thuật viên của Minh Tiến hướng dẫn quy trình hái chọn lọc, bà con đã dần thay đổi thói quen thu hoạch, chỉ hái cà phê chín đỏ. Từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng tầm vị thế cà phê Sơn La trên thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc tập trung phát triển vùng nguyên liệu, Minh Tiến đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, như nước thải và vỏ quả cà phê từ công đoạn chế biến ướt phải có hố chứa, không thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời, Minh Tiến đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ tại các nhà máy, xây dựng hệ thống tái sử dụng tạo nên luân chuyển tài nguyên, tránh tiêu tốn và lãng phí.
Qua đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt và chặt chẽ chất lượng từ khâu chọn cây giống, chăm sóc, thu hái đến quy trình chế biến thô, tạo ra sản phẩm cà phê sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ. Người nông dân có công việc thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.
Ông Đặng Quang Hoàn (Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La), một trong những nông dân hợp tác với Minh Tiến chia sẻ: "Trước đây chúng tôi để cà phê phát triển tự nhiên nhưng cây cho năng suất rất thấp. Sau khi được đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn Cà phê Minh Tiến trực tiếp hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê Arabica theo tiêu chuẩn 4C và UTZ thì năng suất cao hơn. Tôi còn được hỗ trợ một phần vốn để đầu tư máy móc sơ chế quả cà phê tươi."
Không chỉ đời sống được cải thiện mà sự phấn khởi còn hiện rõ trên khuôn mặt người dân nơi đây khi những hạt cà phê từ công sức lao động của mình được xuất khẩu ra thế giới.
Song song với nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê Arabica Sơn La, Minh Tiến còn tìm các giải pháp để ứng phó với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và tình trạng ô nhiễm môi trường. Vài năm gần đây, Minh Tiến được biết đến là doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất và chế biến cà phê tại Việt Nam.
Theo đó, tại Minh Tiến, không có thành phần nào của quả cà phê bị loại bỏ. Phế phẩm trong chế biến của sản phẩm này sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất sản phẩm khác trong hệ sinh thái, không những đạt chất lượng cao mà còn tốt cho sức khỏe con người.
Trong đó, cà phê hạt xanh không chỉ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính, mà còn để sản xuất cà phê rang xay, cà phê hòa tan Coffilia; Trà Cascara Hà Chúc làm từ vỏ thịt trái cà phê; Sản phẩm sinh học Namigo có nguồn gốc từ bã và vỏ trấu cà phê và phân bón hữu cơ Mộc Khang từ vỏ thịt và vỏ trấu cà phê.
Nhờ chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm của Minh Tiến đã có mặt trên kệ hàng tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, vốn là những thị trường nổi tiếng khắt khe về hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời trở thành nhà cung cấp cà phê uy tín của các Tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực như: Tập đoàn Neumann, tập đoàn Atlantic, Mitsui & Co. và Marubeni Corp.
Chiến lược phát triển cà phê bền vững và những thành tựu đạt được là bước ngoặt cho doanh nghiệp cà phê có tuổi đời hơn 30 năm này. Đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Cà phê Minh Tiến tự hào mang mô hình kinh tế tuần hoàn giới thiệu đến bạn bè quốc tế tại World Expo 2020 Dubai - Triển lãm phi thương mại tầm cỡ nhất thế giới.
Xuất hiện nổi bật tại Nhà Triển lãm Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn của Minh Tiến đã nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của giới truyền thông quốc tế, được nhiều hãng thông tấn uy tín nhận xét là "điểm sáng" của "sàn diễn quốc tế" Expo năm nay.
Đặc biệt, đầu tháng 12, đài truyền hình CNN cũng đã dành thời lượng đáng kể để giới thiệu về mô hình bền vững này, lựa chọn giữa hàng trăm sáng kiến khoa học công nghệ nổi bật của thế giới tại Triển lãm.
Không dừng lại ở đó, Minh Tiến đã và đang thúc đẩy xúc tiến thương mại sang các thị trường mới bằng cách phối hợp với Đại sứ quán Áo và Kuwait để quảng bá về sản phẩm và ngành cà phê giàu tiềm năng của Việt Nam.
Việc nâng cao chất lượng và tầm vóc cà phê Sơn La không thể do một cá nhân hay đơn vị đơn lẻ nào làm được mà cần tới sức mạnh tập thể. Minh Tiến mong muốn là "đầu tàu" tiên phong, cùng nông dân và cộng đồng doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh cùng chung tay thực hiện sứ mệnh "Chắp cánh nền kinh tế xanh".
Nhìn lại chặng đường 30 năm theo đuổi sứ mệnh nâng tầm vị thế hạt cà phê Sơn La nói riêng và hạt cà phê Việt nói chung bằng tâm huyết từng người trồng của Minh Tiến dẫu đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít thách thức. Thế nhưng, doanh nghiệp này chưa một ngày ngừng quyết tâm, tìm hướng đi mới và hành động để người dùng trên khắp thế giới hiểu được tầm vóc và bản sắc cà phê Việt.