DMagazine

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần "hô mưa, gọi gió" trên cao nguyên

(Dân trí) - Hơn 500 năm qua, người làng Plei Ơi ở Gia Lai vẫn lưu truyền câu chuyện của 14 đời vua Lửa Pơtao Apui và chiếc gươm thần"hô mưa, gọi gió" giúp người Jrai nơi đây chăm chỉ trồng lúa, tỉa bắp… mưu sinh.

Hơn 500 năm qua, người làng Plei Ơi ở Gia Lai vẫn lưu truyền câu chuyện về 14 đời vua Lửa -  Pơtao Apui - và chiếc gươm thần "hô mưa, gọi gió" giúp người Jrai có điểm tựa niềm tin để chăm chỉ trồng lúa, tỉa bắp… mưu sinh.

Khác với những vị thần hay Yàng (trời), vua Lửa hiện hữu ngay trong đời sống của người đồng bào dân tộc Jrai ở huyện Phú Thiện (Gia Lai). Vị vua này thường ngày cũng giống như bao người Jrai, cũng đi làm rẫy từ sáng sớm tinh mơ đến khi mặt trời xuống núi; cũng lấy vợ, sinh con. Chỉ đến hôm làng có lễ cúng, vua Lửa mới khoác lên bộ trang phục của vua, tay cầm chiếc gươm báu để thể hiện uy quyền.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 1

Những tháng mùa hè là khoảng thời gian mà các huyện ở phía đông nam tỉnh Gia Lai nắng hạn đỉnh điểm. Nắng nóng khiến những cây mạ non khát nước, con suối chảy quanh làng cạn kiệt.

Lúc này, dân làng Plei Ơi (ở huyện Phú Thiện, Gia Lai) lại tìm đến đến vị vua Lửa và trông cậy vào chiếc gươm thần của vua để kết nối với thần linh, xin hạt mưa tưới mát cánh đồng, xin nước trời đổ xuống cho con suối róc rách dòng chảy của sự sống.

Từ những phong tục, quan niệm đó mà lễ cầu mưa luôn được lưu truyền và gìn giữ ở làng Plei Ơi hơn 500 năm qua.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 3

Theo ông Rah Lan Hieo (66 tuổi) - phụ tá của Vua lửa đời thứ 14, vua Lửa cũng là con dân của người Jrai. Hàng ngày, vua vẫn lên núi hái măng, tỉa bắp từ sáng sớm tinh mơ đến khi mặt trời khuất núi. Uy lực của vua chỉ được thể hiện khi khoác lên mình "áo vua" và sử dụng chiếc gươm thần để thực hiện các nghi lễ cầu mưa.

Thời kỳ đó, mỗi khi đi đâu, vua Lửa thường cưỡi voi, xung quanh có hàng tá người hầu cận cùng bê tráp… Ông Rah Lan Hieo thường theo dân làng mang lễ vật, ghè rượu đến cầu xin vị vua Lửa thứ 14 là ông Siu Luynh thực hiện nghi lễ cầu mưa để mang mưa về với buôn làng. Ông Rah Lan Hieo rất chăm chỉ, tỉ mỉ sửa soạn đồ cúng và theo sát chân vị vua Lửa.

Trong những ngày khô hạn, ông Siu Luynh lại thực hiện lễ cúng cầu mưa. Chẳng mấy chốc, những cơn mưa đổ xuống tưới mát cả vùng Phú Thiện. Tiếng tăm vua Lửa bay xa, người ở khắp các huyện Mang Yang, Krông Pa, Buôn Hồ, rồi tận Campuchia, Lào cũng tìm đến mời vua Lửa về cúng.

Trải qua nhiều năm tháng, cậu bé Rah Lan Hieo đã trưởng thành và được vua Lửa lựa chọn làm phụ tá, rồi dọn về ở cùng nhà để phụ vua làm lễ cúng. 

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 5

Sau vị vua Lửa qua đời, theo quy định, chỉ những người mang họ Siu mới được nối ngôi, trong khi con cái của ông đều theo họ mẹ. Như vậy, em ruột hoặc một người nào đó mang họ Siu có thể kế tục chức quý này nhưng chưa ai dám đảm nhiệm trọng trách lớn lao và nặng nề này.

Bởi vua Lửa Siu Luynh không có người nối ngôi nên hiện người phụ tá Rơ Lan Hieo đang đảm đương công việc cúng cầu mưa cho dân làng Plei Ơi hàng năm.

Sau này, khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ khánh thành và tưới mát cho ruộng đồng thì tình trạng hạn hán cũng không còn diễn ra gay gắt, tục cúng tế cầu mưa của vua Lửa cũng phai nhạt dần.

Tuy vậy, trong tiềm thức và những câu chuyện bên bếp lửa của người Jrai, vẫn vang vọng truyền thuyết về 14 đời vua Lửa ở làng Plei Ơi.

Năm 1993, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. "Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui" cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.

Hàng năm, cứ đến dịp lễ 30/4 - 1/5, dân làng Plei Ơi tổ chức lễ cúng cầu mưa, giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng của người Jrai nơi đây với nghi thức kết nối con người với thần linh, nhớ về một thời đất trời còn hỗn mang, huyền bí.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 7

Trong nghi thức cầu mưa của 14 đời vua Lửa - Pơtao Apui - tồn tại hơn 500 năm, không thể thiếu chiếc gươm thần. Theo lời kể của ông Rah Lan Hieo, xưa kia có hai anh em T'dia và T'diêng rèn gươm từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (TP Pleiku, Gia Lai). Sau khi rèn xong, chiếc gươm cứ đỏ rực, nhúng vào mọi vật có nước đều cạn sạch.

Sau này, vua Lửa sở hữu chiếc gươm thần để kết nối, truyền đạt ý nguyện của dân làng với thần linh và ngược lại. Trước đây, gươm thần được vua Lửa tự tay cất giấu rất kỹ ở đỉnh núi Chư Tao Yang. Đỉnh núi này cao gần 210m, nổi bật giữa đồng lúa mênh mông ở làng Plei Ơi.

Nơi cất gươm chỉ vua Lửa và phụ tá biết, dân làng sẽ không được đến gần. Theo lời kể của ông Rah Lan Hieo, nơi để gươm nằm trên đỉnh núi. Trên đó có một hang đá được tạo bởi 3 viên đá xếp chồng lên nhau. Dưới khe đá là cửa hang nhỏ hẹp chỉ một người chui lọt. Ai dám xâm nhập ngọn núi thiêng này sẽ bị điên hoặc có nhiều điều xui xẻo ập đến.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 9

Anh Rmah Thuyn - Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ cũng cho biết, từ nhỏ ông đã nghe người già trong làng nói rằng trên núi có đặt thanh gươm quý của Pơtao Apui. Không ai dám leo lên núi vì sợ Yàng (trời) trừng phạt. Những đám trẻ chăn bò không bao giờ dám để bò lên núi gặm cỏ vì sợ.

Theo ông Rah Lan Hieo, thanh gươm thần dài chừng một mét, có màu đen. Cất giấu cùng gươm thần trước đây còn có hai thanh gươm phụ và hai chiếc gậy. Cả hai thanh gươm phụ và hai chiếc gậy đều có màu trắng. Nhiệm vụ của các vị vua Lửa là sử dụng gươm thần để cầu mưa, cầu bình an cho người dân, mang lại sự sung túc, no ấm.

Vài chục năm gần đây, người dân từ các nơi khác đến lập nghiệp khá đông cho nên nhiều vật dụng giấu kèm với gươm thần đã bị mất. Chính vì thế, năm 2009, ông Rah Lan Hieo - phụ tá của vua Lửa - đã thực hiện nghi lễ di dời gươm thần từ núi Chư Tao Yang về cất giữ ở trong ngôi nhà mới trong Khu Di tích plei Ơi.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 11

Ông Rmah Thuyn - Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ - cho biết vào năm 1993, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Để phát triển và bảo tồn nơi linh liêng này, năm 2009, chính quyền đã cho xây dựng Khu Di tích lịch sử Plei Ơi.

Tổng thể Khu Di tích được xây dựng tựa lưng vào núi Ba Hòn vững chãi, phía trước là khoảnh sân bê tông rộng nhìn ra cánh đồng lúa. Trong khu di tích có một căn nhà dài để trưng bày các đồ vật, cồng chiêng, trống của người Jrai.

Ngoài ra, nơi đây còn xây thêm một căn nhà sàn nhỏ hơn sát bên làm nhà cúng tế các vua Lửa và một nhà chòi để cất giữ thanh gươm thần, tương truyền có quyền năng thần thánh.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 13

Ông Phạm Văn Trần Hưng - Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phú Thiện cho biết: "Để phát huy giá trị của khu di tích linh thiêng này, trong năm qua chính quyền huyện đã xây dựng thêm lối đi lên núi cho du khách có thể trải nghiệm trên đỉnh núi thần. Đưa khu di tích trở thành địa điểm du lịch trọng điểm của huyện, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, không gian văn hóa".

"Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền để bà con có ý thức, trách nhiệm bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi. Đồng thời, gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa của Plei Ơi là phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng", ông Rmah Thuyn cho hay.

Cũng theo ông Rmah Thuyn, thay vì tổ chức trên sân khấu như năm 2019, nghi lễ cúng cầu mưa năm 2022 vừa qua được tổ chức trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang. Qua dịp này, nhiều du khách được trải nghiệm không gian lễ hội linh thiêng kỳ bí, chứng kiến phụ tá vua Lửa đời thứ 14 dùng thanh gươm thần để cầu mưa, khi sắp vào mùa hoặc giữa chu kỳ canh tác mà bị hạn hán.

Qua đó, vua Lửa cầm chiếc gươm thần để thực hiện các nghi thức cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân được no đủ.

Lồng ghép vào lễ cầu mưa là các hoạt động đậm nét văn hóa, bản sắc dân tộc. Qua đó, tuyên truyền cho con cháu đời sau về những giá trị tốt đẹp của ông cha như tính đoàn kết, tương thân tương ái, truyền thống "uống nước nhớ nguồn", cùng nhau xây dựng buôn làng văn minh, văn hóa và phát triển hơn nữa.

Ly kỳ 14 đời vua Lửa với gươm thần hô mưa, gọi gió trên cao nguyên - 15

Nội dung: Phạm Hoàng - Nay Săt

Thiết kế: Đỗ Diệp