Lễ cúng trăng của người Hoa ở TPHCM
(Dân trí) - Tết Trung thu là lễ hội quan trọng thứ hai đối với người Hoa sau Tết Nguyên đán. Lễ cúng trăng là để người dân bày tỏ lòng thành đối với thần Mặt Trăng và cầu sự bình an, may mắn.
Hẻm Triều Thương nằm trên đường Cao Văn Lầu (quận 6, TPHCM) là một trong những khu người Hoa còn giữ lại được nét văn hóa cúng trăng này.
Bà Kiều (66 tuổi) chia sẻ: ''Lễ cúng trăng là dịp để cầu bình an cho gia đình. Năm nào nhà cô cũng chuẩn bị lễ cúng đầy đủ''.
Từ sớm gia đình bà Loan (52 tuổi) đã chuẩn bị hoa quả và gấp giấy tiền vàng để cúng trăng.
Sau khi cúng, người dân mang vật cúng chia cho họ hàng, người quen, gọi là chút quà thơm thảo. Nhà này mang vật cúng cho nhà kia. Đến khi nhà kia cúng sẽ mang cho lại nhà này. Đây cũng là cách làm cho tình thân thêm gắn bó.
Cúng trăng của người Tiều bắt buộc phải có vài hộp bánh trung thu cổ truyền, chiếc bánh nguyệt, khoai môn, mâm ngũ quả...
Sở dĩ, người Tiều chọn các loại vật phẩm có hình tròn là vì "tròn" trong tiếng Hoa có nghĩa đồng âm với "đoàn", nghĩa là mong cầu cả gia đình được đoàn viên sum họp bên nhau.
Tục cúng trăng bắt đầu từ khoảng 6 giờ sau đó cả gia đình sẽ cùng quây quần cùng nhau ăn bánh, uống nước trà và ngắm trăng tròn.
Bà Thúy (81 tuổi) là một trong những người sống lâu năm nhất trong hẻm đang gọi điện cho người thân để chia sẻ hình ảnh con hẻm. Gia đình bà năm nay không làm được lễ vì theo phong tục người Tiều, nhà có tang thì không được làm lễ trong 3 năm.
Tục cúng trăng cổ truyền gồm có Tế nguyệt và Thưởng nguyệt. Tế nguyệt là bày mâm cỗ cúng dưới ánh trăng. Thưởng nguyệt là phá cỗ, chơi trăng, rước đèn, đố chữ, múa rồng lửa để trừ tà… Cúng trăng là một trong những phong tục truyền thống đậm chất Tết Trung thu của người Hoa.