Hơn 300 người rước kiệu chạy vòng quanh tại lễ hội đền Bà Triệu
(Dân trí) - Trong nghi thức rước kiệu ở lễ hội đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hàng trăm người dân gồm đàn ông, trai tráng, phụ nữ có sức khỏe tốt được lựa chọn để rước kiệu suốt nhiều giờ đồng hồ.
Sáng 11/3, tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ hội đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11 đến ngày 13/3) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Lễ yết cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà; các tiết mục nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu...
Trong lễ hội, có nghi thức rước kiệu thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong nghi thức này, ban tổ chức sẽ huy động hàng trăm trai tráng, đàn ông, phụ nữ có sức khỏe tốt để tiến hành rước 5 chiếc kiệu gồm: Kiệu Bà Triệu, kiệu Song Loan, kiệu Long Đình, kiệu Hương Án và kiệu Võng.
Ông Vũ Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc (Ban tổ chức) cho biết, năm nay, toàn xã huy động được 307 người tham gia rước kiệu, trong đó số lượng nữ giới là 63 người, còn lại là nam giới.
Những người tham gia nghi thức rước kiệu được lựa chọn rất kỹ càng. Khoảng 15 ngày trước khi lễ hội diễn ra, theo phong tục thì những người tham gia nghi lễ rước kiệu phải có chế độ ăn uống tốt để đảm bảo sức khỏe, lối sống văn hóa lành mạnh, kiêng kị những gia đình đang chịu tang.
Quá trình rước kiệu, họ sẽ đi vòng tròn, di chuyển trong nhiều giờ đồng hồ. Có những lúc sẽ tăng tốc chạy vòng quanh. Trong ảnh là màn rước kiệu Hương Án được các thanh niên trai tráng thực hiện tôn nghiêm, thành kính.
Trong 5 chiếc kiệu, nghi thức rước kiệu Võng sẽ do những người phụ nữ thực hiện.
Do phải di chuyển trong thời gian dài, những người tham gia rước kiệu sẽ được thay phiên nhau thực hiện.
Khoảng 10h ngày 11/3, sau nhiều giờ đồng hồ rước chạy vòng quanh sân đền, kiệu Bà Triệu được rước ra ngoài khu vực nghi môn nội và cổng Tam Quan.
Đông đảo người dân và du khách thập phương đứng xem màn rước kiệu ở lễ hội Bà Triệu.
Càng về trưa, lượng người càng đông. Nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa lên cao để xem rước kiệu.
Quốc lộ 1A đoạn qua đền Bà Triệu ách tắc do lượng du khách đổ về lễ hội xem màn rước kiệu ngày một đông.
Trong dịp này, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu (Ảnh: Minh Hiếu).
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo địa phương thành kính thắp hương tưởng nhớ công lao của nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Theo sử sách, Bà Triệu sinh năm 226, được nhân dân gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Triệu Ấu, Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Lệ Hải Bà Vương.
Bà mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh trai chiêu mộ tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Sau khi anh trai Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Triệu Thị Trinh được tôn làm chủ tướng.
Thấy vậy, giặc Ngô cử 8.000 quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân của nữ tướng Triệu Thị Trinh thất bại. Bà tuẫn tiết tại núi Tùng (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà trên núi Gai.