Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn

Ngô Linh

(Dân trí) - Hàng nghìn người dân và du khách náo nức trẩy hội Bà Thu Bồn, lễ hội ở Quảng Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ sáng sớm 3/3 (nhằm 12/2 âm lịch), người dân và du khách bắt đầu đổ về lăng Bà Thu Bồn tại làng Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên dự lễ hội Bà Thu Bồn.

Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn - 1

Lễ rước nước, nghi thức quan trọng trong lễ hội Bà Thu Bồn.

Thực hiện lễ rước nước từ sông Thu Bồn về lăng Bà, nghi thức quan trọng nhất lễ hội, có hơn 200 người trong các đội kèn, đội lân, ca múa cùng hơn 10 nghìn người dân và du khách.

Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn - 2

Những bé gái tham gia đoàn rước là những em nhỏ có thành tích học tập tốt, gia đình nề nếp.

Bà Nguyễn Thị Luyến (65tuổi, người dân địa phương) cho biết, đây có thể coi là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Duy Xuyên. Hàng năm, bà con rất háo hức mong đợi tới ngày này để dự xem. Những ngày lễ hội này, làng còn đông vui hơn cả Tết.

Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn - 3

Các bô lão thực hiện nghi thức chính ở lăng Bà.

Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn - 4

Phần hội sôi nổi với hội đua thuyền trên sông Thu Bồn.

Có rất nhiều truyền thuyết về Bà, trong đó có một truyền thuyết Bà là nữ tướng người Chăm xinh đẹp, có tài điều binh khiển tướng, từng chinh chiến nhiều trận mạc.

Trong một lần giao chiến, đến lúc thế cùng lực kiệt, Bà gieo mình xuống dòng sông để tuẫn tiết, xác Bà trôi theo dòng nước về dưới miền xuôi. Bà Thu Bồn được vua triều Nguyễn ban sắc phong là "Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần". Lăng Bà được dân làng xây dựng ở làng Thu Bồn Đông.

Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn - 5

Sắc phong của vua triều Nguyễn ban tặng Bà Thu Bồn.

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch huyện Duy Xuyên - chia sẻ lễ hội là dịp để nâng cao ý thức trong cộng đồng về việc gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; đồng thời, góp phần phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững, bảo tồn di sản văn hóa.

Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn, được tổ chức vào ngày 11-12/2 âm lịch hàng năm.

Náo nức lễ hội Bà Thu Bồn - 6

Hàng nghìn người tham gia lễ rước nước trong Lễ hội Bà Thu Bồn sáng 3/3 (12/2 âm lịch).

Đây là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà Thu Bồn và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng để thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp.

Lễ hội đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơtu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.

Năm 2022, lễ Bà Thu Bồn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm