(Dân trí) - Bộ phim siêu anh hùng "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" ban đầu được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc, nhưng hóa ra, Marvel phải đón nhận một cú "rùng mình ớn lạnh".
Hollywood "đứng ngồi không yên" khi Trung Quốc thờ ơ lạnh nhạt với Shang-Chi
Bộ phim siêu anh hùng "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" ban đầu được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc, nhưng hóa ra, Marvel phải đón nhận một cú "rùng mình ớn lạnh".
Bộ phim siêu anh hùng "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" được kỳ vọng sẽ chinh phục thị trường điện ảnh Trung Quốc, bởi Shang-Chi là siêu anh hùng Châu Á đầu tiên xuất hiện trong vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng của Marvel. Đây rõ ràng là một nỗ lực để dòng phim siêu anh hùng của Marvel, vốn từ lâu đã chinh phục thị trường điện ảnh quốc tế, sẽ có thể tiến sâu vào thị trường điện ảnh Trung Quốc.
Thị trường điện ảnh Trung Quốc từ lâu đã hấp dẫn các nhà làm phim Hollywood, bởi đây là thị trường "màu mỡ" hàng đầu thế giới hiện nay, nhưng trước sự thờ ơ lạnh nhạt của các nhà kiểm duyệt điện ảnh tại Trung Quốc đối với "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân", giới làm phim Hollywood lại đang "nín thở" chờ đợi và quan sát "động tĩnh".
Rất có thể sự "chăm sóc đặc biệt" dành cho thị trường điện ảnh Trung Quốc mà các hãng phim Hollywood đã và đang thực hiện sẽ trở nên... vô ích, khi những dự án phim bom tấn được đầu tư nhắm thẳng vào thị trường này, như "Hoa Mộc Lan", như "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" đều không đưa lại kết quả như ý.
Hiện tại, "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" đã ra mắt tại nhiều quốc gia, lập nên nhiều kỷ lục phòng vé và đã đem về 157 triệu USD doanh thu, dù mới chỉ bắt đầu được ra rạp trong những ngày đầu tháng 9 này.
Phim nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình phương Tây, được khen ngợi về vẻ đẹp cảnh quay, cách thức dàn dựng các pha hành động, cách khai thác và khắc họa văn hóa Á Đông, diễn xuất của nam chính Simu Liu (một nam diễn viên người Canada gốc Hoa).
Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của những diễn viên Hoa ngữ như tài tử kỳ cựu Lương Triều Vỹ, nữ diễn viên Trương Mộng Nhi.
Vậy nhưng, tại thị trường được kỳ vọng - Trung Quốc, phim vẫn chưa hề có được một ngày ra rạp chính thức.
Nỗi giận không nguôi về nhân vật Fu Manchu
Trước sự thờ ơ lạnh nhạt từ thị trường điện ảnh Trung Quốc, các tờ tin tức phương Tây bắt đầu nảy sinh nghi vấn rằng có thể "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" sẽ không bao giờ bước được vào thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân nằm ở nhân vật người cha của siêu anh hùng Shang-Chi, nhân vật này trong nguyên bản truyện tranh Marvel vốn dĩ bị khắc họa rất xấu xa, tiêu cực.
Nhân vật Fu Manchu - cha của Shang-Chi - được đưa vào thế giới truyện tranh Marvel từ thập niên 1970, nhân vật này bị khắc họa trong các bộ truyện và bộ phim như một nhân vật phản diện khét tiếng. Thực tế, các nhân vật phản diện trong thế giới truyện tranh Marvel không thiếu, nhưng nguyên mẫu nhân vật Fu Manchu bị khắc họa với nhiều nét định kiến và kỳ thị.
Cách khắc họa nhân vật Fu Manchu - cha của nhân vật Shang-Chi đã trở thành một vết đen mà giờ đây, ngay cả khi Marvel đã thay đổi tên nhân vật, làm mới nhân vật, cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề. Marvel đã tạo nên một phiên bản mới đẹp đẽ hơn nhiều - nhân vật Xu Wenwu (do tài tử Lương Triều Vỹ đảm nhận) tích cực hơn rất nhiều so với Fu Manchu.
Nguyên bản nhân vật Fu Manchu được tác giả người Anh Sax Rohmer khắc họa trong loạt tiểu thuyết nguyên gốc với những nét diện mạo gian xảo, đểu cáng và được miêu tả về mặt tính cách là một nhân vật phản diện biểu trưng cho sự xảo quyệt tàn độc. Nhân vật này sau đó được đưa vào các bộ phim điện ảnh, truyền hình, truyện tranh trong suốt hơn 90 năm qua.
Fu Manchu là một nhân vật phản diện có trí tuệ siêu đẳng, một nhà khoa học tàn ác, điên rồ. Marvel sau đó đã đưa nhân vật này vào thế giới siêu anh hùng của mình, để ông ta là cha của siêu anh hùng Shang-Chi.
Nhân vật Fu Manchu đã từng xuất hiện trong một số bộ phim của phương Tây, các nhà làm phim đã dồn rất nhiều điều xấu xa vào nhân vật Fu Manchu - một kẻ phản diện có cách tạo hình đậm chất Á. Chính điều này đã tạo nên vết hằn trong tâm trí người Trung Quốc trước dự án điện ảnh "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân". Đây rất có thể là nguyên nhân khiến phim gặp khó ở thời điểm này.
Nỗ lực không thành của Hollywood tại Trung Quốc
"Hoa Mộc Lan" (2020) từng là một nỗ lực không thành của Hollywood trước thị trường điện ảnh Trung Quốc. Đến giờ, "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" (2021) cũng chưa có được tín hiệu khả quan từ thị trường điện ảnh tỷ dân.
Fu Manchu dù không xuất hiện trong phim mới của Marvel và được thay thế bằng nhân vật Xu Wenwu tích cực hơn nhiều, nhưng sự tồn tại của nhân vật Fu Manchu trong suốt nhiều thập kỷ ở cả trong thế giới truyện tranh và phim ảnh của phương Tây vẫn là một "cơn bực dọc âm ỉ" đối với người Trung Quốc. Marvel đã mua quyền sử dụng nhân vật này từ tác giả Sax Rohmer hồi thập niên 1970.
Trước nỗ lực làm vừa lòng thị trường Trung Quốc của Marvel, nhân vật Xu Wenwu đã được tạo ra như một cách xoa dịu, với nhiều nét tích cực. Dù vậy, trên nhiều diễn đàn về phim của Trung Quốc, cư dân mạng nước này vẫn nhớ về Fu Manchu và khẳng định rằng một nhân vật được làm mới "tức thời" không thể nào xóa nhòa ký ức, khiến người ta quên ngay, quên hẳn nhân vật gốc ban đầu.
Nhà phê bình điện ảnh Shi Wenxue chia sẻ với tờ Global Times (Trung Quốc) rằng: "Fu Manchu là một nhân vật vô cùng xấu xa, tiêu cực, Fu Manchu từng được khắc họa như một "mối nguy da vàng", đó cũng là tư tưởng từng tồn tại trong một bộ phận người phương Tây. Người Trung Quốc không chấp nhận cách nhìn nhận phân biệt, định kiến này".
Dù Marvel đã sáng tạo nên nhân vật Xu Wenwu tích cực hơn nhiều để đưa vào phim, và còn mời tài tử Hồng Kông - Lương Triều Vỹ đảm nhận vai này, nhưng động thái này cho tới giờ vẫn chưa khiến bộ phim thâm nhập được thị trường Trung Quốc, dù hệ thống phòng vé tại nước này đã hoạt động trở lại.
Ông Kevin Feige, chủ tịch của hãng phim Marvel Pictures, đã từng lên tiếng hồi tháng trước rằng nhân vật Fu Manchu quá tiêu cực và dễ gây tổn thương cho một số người xem, nên họ đã tạo nên nhân vật mới Xu Wenwu - một nhân vật có tốt, có xấu, nhưng chắc chắn không phải một nhân vật hoàn toàn phản diện.
Biên kịch của "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" - Dave Callaham cũng tha thiết khẳng định: "Chúng tôi hiểu rằng mình cần phải thay đổi nhân vật Fu Manchu, chúng tôi đã đưa ra một danh sách dài những điều cần phải loại bỏ".
Thẩm mỹ Á Đông chưa gần gũi với... người Á Đông
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở nam diễn viên Simu Liu - người đảm nhận vai nam chính - siêu anh hùng Shang-Chi. Việc Simu Liu được giao vai thực sự khiến nhiều nhà phê bình phim và khán giả tại Trung Quốc cảm thấy không hài lòng. Bởi họ cho rằng Simu Liu không có đủ nét Á trong mắt những người Á đích thực, và chất Á trong phim vẫn chỉ là chất Á trong mắt nhìn của người phương Tây.
Simu Liu được sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã chuyển tới sống ở Canada từ năm lên 5 tuổi. Một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng nam diễn viên 32 tuổi có ngoại hình phản ánh chất Á trong mắt người phương Tây, nhưng không phản ánh được những quan niệm thẩm mỹ hiện tại của người xem tại Trung Quốc.
"Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân" cũng như "Hoa Mộc Lan" vẫn chưa khiến người Trung Quốc cảm thấy thực sự gần gũi với chất Á được khắc họa trong phim. Đó là lý do tại sao hai dự án này dù được thực hiện chăm chút ngay từ đầu để nhắm vào thị trường Trung Quốc, nhưng sau cùng vẫn luôn bị "nguội lạnh" tại thị trường Trung Quốc.
Trong vòng một thập kỷ qua, các hãng phim tại Mỹ đã không ngừng tập trung vào thị trường Trung Quốc. Họ tìm nhiều cách để ghi điểm với các nhà kiểm duyệt điện ảnh tại Trung Quốc thông qua cách dàn cảnh, dựng kịch bản, quy tụ dàn diễn viên...
Nhưng dù dựa trên câu chuyện truyền thuyết của Trung Quốc hay đưa vào dàn diễn viên gốc Á, thậm chí là mời hẳn minh tinh, tài tử Hoa ngữ tham gia, các dự án phim bom tấn này vẫn bị thất bại về mặt doanh thu trên thị trường Trung Quốc (như "Hoa Mộc Lan"), hay thậm chí bị thờ ơ lạnh nhạt đến khó hiểu (như "Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân").