Huế:

Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế

Đại Dương Hoàng Hải

(Dân trí) - Chiều 15/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ khai trương Lầu Tàng Thơ - thư viện Hoàng gia thời Nguyễn tại đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế.

Lầu Tàng Thơ là nơi cất giữ và bảo quản các sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu, phục dựng lại để gìn giữ nét văn hóa, lịch sử truyền thống.

Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 1
Lầu Tàng Thơ nhìn từ bên ngoài sau khi được trùng tu xong.

Vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), triều đình đã tập trung về kinh đô khá nhiều tư liệu thành văn quý báu như: Gia Định thành thông chí; Bản triều ngọc phả; Khai quốc công thần diễn chí... Đây cũng là thời kỳ các thư viện và kho lưu trữ đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn ra đời như Đông Các viện (1826); Quốc Sử Quán (1821); Tàng Thơ lâu (1825),…

Trong số các thư viện kho lưu trữ kể trên, Tàng Thơ Lâu giữ một vai trò đặc biệt. Lầu được xây dựng vào mùa hè năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng. Tổng thể kiến trúc Tàng Thơ Lâu được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách, văn bản giấy tờ quan trọng của triều đình, đặc biệt để đối phó với hai thứ họa lớn là nước và lửa. Sau khi được xây dựng xong vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826 ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc dựng Tàng Thơ Lâu.

Lầu nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật (diện tích khoảng 30m x 50m) ở giữa hồ Học Hải (đây là một hồ hình vuông, vốn là một đoạn trong dòng chảy cũ của sông Kim Long, được nắn lại dưới thời vua Gia Long, phần đảo nổi giữa hồ được sử dụng làm kho thuốc súng và diêm tiêu). Hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía tây. Bốn mặt hồ xây tường gạch thấp. Lầu Tàng Thơ bao gồm một tòa nhà 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4 m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh (7 cửa lớn và 11 cửa sổ), các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn.

Trải qua thời gian và biến động lịch sử, Lầu Tàng Thơ đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng; công trình cũng không còn được giữ nguyên vẹn như cũ và đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Vì vậy dự án nghiên cứu, phục hồi Lầu Tàng Thơ đã được khởi động từ đầu năm 2000 và bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đến năm 2014 dự án trùng tu, phục hồi công trình này chính thức được khởi công. Trải qua 7 năm phục dựng (2014 - 2021), dự án đến nay đã hoàn thành.

Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 2
Cắt băng khai trương Lầu Tàng Thơ - thư viện Hoàng gia thời Nguyễn.

Hiện nay Tàng Thơ Lâu đang được lưu trữ dưới ba loại hình gồm tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh.

Tư liệu thành văn với hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, Phật giáo, tôn giáo, tín ngưỡng,…Có thể nói đây là kho lưu trữ khá đổ sộ.

Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 3
Lầu Tàng Thơ là nơi lưu trữ hơn 70.000 sách và tư liệu thời Nguyễn.
Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 4
Một góc trong thư viện lưu trữ chữ Hán Nôm thời Nguyễn.

Về tư liệu video, sau nhiều năm nỗ lực phục dựng và tái hiện các hoạt động thực hành nghi lễ, những thức phim được chăm chút đến từng chi tiết, chất lượng hình ảnh rõ nét… sẽ đưa du khách trải nghiệm những phút giây trầm lắng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong không khí trang nghiêm, long trọng của một số lễ tế thuộc hàng đại tự của quốc gia một thời như tế Nam Giao, tế Xã Tắc...

Riêng tư liệu hình ảnh tại đây có hơn 4.000 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau sẽ được tái hiện sinh động, qua đó người xem có thể hình dung được chốn hoàng cung triều Nguyễn với những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi, kiến trúc nguyên sơ. Từ những bức hình toàn cảnh đến góc chụp tỉ mỉ, chi tiết hoa văn, họa tiết trên các kiến trúc cung đình, còn là kết quả của bao nhiêu năm nặng tình với di sản Huế của các nhà nghiên cứu trong công tác trùng tu và bảo tồn.

Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 5
Đại biểu và khách mời tham quan khu lưu trữ tại Lầu Tàng Thơ.
Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 6
Lầu Tàng Thơ được ghi chép qua bản Châu triều Nguyễn.
Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 7
Tập tấu của các Bộ, Nha và các địa phương thời vua Gia Long (1803 - 1818), đây là các bản Tấu dùng để trình lên vua trong quá trình thực hiện chức trách.
Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 8
Các Châu bản triều Nguyễn quý hiếm.
Ngắm thư viện hoàng gia thời Nguyễn đồ sộ giữa lòng Cố đô Huế - 9

Sách bằng đồng, lụa trưng bày tại Thư viện hoàng gia thời Nguyễn - Tàng Thơ Lâu.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại Huế đã sở hữu 5 danh hiệu di sản thế giới của UNESCO, ngoài quần thể di tích kiến trúc cung đình thời Nguyễn và Nhã nhạc cung đình, còn các di sản còn lại đều là tư liệu và ít nhiều đều từng gắn bó với lịch sử hình thành tồn tại của Tàng Thơ Lâu. Vì vậy, sự phục hồi của Tàng Thơ Lâu sẽ là địa chỉ để nghiên cứu bảo tồn và lưu trữ bền vững các di sản ấy trong tương lai. Đặc biệt là địa điểm hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khám phá nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước nhà.