PhotoStory

"Bình minh thao thức" - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Vở nhạc kịch "Bình minh thao thức" tái hiện thời khắc bình dị, thiêng liêng, kiên cường và quả cảm của chiến sĩ Truông Bồn - những người con gái, con trai "đẹp tựa hoa hồng, cứng như sắt thép".

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 1

Chương trình nghệ thuật "Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại" được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) nhân kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2022). Trong đó điểm nhấn đặc biệt là vở kịch hát "Bình minh thao thức", tái hiện thời khắc bình dị, thiêng liêng, kiên cường và quả cảm của người chiến sĩ Truông Bồn năm xưa - những người con gái, con trai "đẹp tựa hoa hồng, cứng như sắt thép" (Ảnh: Hoàng Lam).

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 2

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất. 

Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, cái chết luôn cận kề, với tinh thần "Sống bám cầu, bám đường - Chết kiên cường dũng cảm", "Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc", hàng vạn con người nơi đây đã sống và chiến đấu, đã vượt lên bom đạn hiểm nguy, vất vả, thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa (Ảnh: Hoàng Lam).

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 3

Mỗi người chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là mỗi cuộc đời, họ còn rất trẻ và gánh trên vai trách nhiệm đối với độc lập, thống nhất và hòa bình của Tổ Quốc. 

Trong những ngày sục sôi tinh thần yêu nước ấy, cô bé Nguyễn Thị Văn (quê Đô Lương, Nghệ An) khi ấy chưa tròn 17 tuổi đã xung phong vào lực lượng TNXP. Vì chưa đủ tuổi nên không "trúng tuyển", cô bé Văn viết giấy cam đoan "không bỏ ngũ, gian khổ không được khóc..." để được có mặt trong đội hình những chàng trai, cô gái đi phá bom, san đường, giữ vững huyết mạch giao thông cho những chuyến hàng vào Nam (Ảnh: Hoàng Lam).

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 4
Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 5

Hay câu chuyện của người TNXP Trần Văn Hạp (SN 1947, quê xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng gây xúc động với người xem. Người lính TNXP xin đơn vị về làm lễ kết hôn với cô gái cùng làng. Qua đêm tân hôn, anh Hạp vào Truông Bồn, cùng đồng đội thực hiện chiến dịch "100 ngày đêm không để tắc đường, tắc xe".

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không thiếu những người phụ nữ và đàn ông chỉ làm vợ, làm chồng một đêm. Họ hi sinh hạnh phúc riêng tư, mong chờ về một ngày đất nước hòa bình, thống nhất để hòa niềm vui riêng trong niềm vui chung của đất nước (Ảnh: Hoàng Lam). 

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 6

Ngày 30/10/1968, nhiều chiến sỹ TNXP nhận quyết định hết thời gian phục vụ, quyết định đi học. Họ đã mơ về giảng đường, mơ về những đám cưới, mơ về vòng tay mẹ... nhưng trong không khí khẩn trương, ác liệt, một ngày còn ở Truông Bồn là một ngày vẫn bám đường để "đường phải thông, xe không tắc" (Ảnh: Hoàng Lam). 

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 7

Ngày cuối cùng ở Truông Bồn, họ vẫn hiên ngang dưới làn bom đạn, biến mình thành cọc tiêu sống để dẫn những chuyến xe mang vũ khí, lương thực, thuốc men vào chiến trường.

Sáng 31/10/1968, chỉ ít giờ nữa thôi, lệnh ngừng bắn trên toàn miền Bắc có hiệu lực nhưng kẻ thù đã tập trung nhiều máy bay, dội bom xuống tọa độ lửa Truông Bồn. Trận bom rơi trúng đội hình của Tiểu đội 2 - Tiểu đội cảm tử, Đại đội 317 TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. 13/14 người đã ngã xuống, xương thịt tan vào đất mẹ Truông Bồn... (Ảnh: Hoàng Lam).

Xúc động vở kịch hát về những người làm nên huyền thoại Truông Bồn

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 8

Trong 13 chiến sĩ TNXP của Đại đội 317 thì người trẻ nhất mới 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 22, họ đều đang ở lứa tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người. Những chàng trai, cô gái chưa từng cầm tay người yêu, chưa biết một cái hôn... họ đã dâng hiến tuổi xuân, không tiếc thân mình để san lấp những hố bom, để huyết mạch giao thông trên con đường chống Mỹ luôn được thông suốt, nêu tấm gương nghĩa liệt muôn đời.

"Các chị không về, để lỡ cuộc đưa dâu, các anh ở lại với đất mẹ Truông Bồn, để lỡ một tương lai cá nhân tươi đẹp!... Những tấm thân làm cọc tiêu cho xe qua ngày ấy; những tấm thân đã ngã xuống trong loạt bom tọa độ ác nghiệt trong ngày cuối của chiến tranh, chỉ trước vài giờ thời điểm ngừng bắn có hiệu lực, mãi mãi trở thành cọc tiêu cho đất nước, quê hương biết đi về đúng hướng; cho thế hệ mai sau biết đứng thẳng làm người!", ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại chương trình nghệ thuật "Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại" (Ảnh: Hoàng Lam).

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 9

Những người con gái, con trai "đẹp tựa hoa hồng, cứng như sắt thép" mãi mãi nằm xuống ở lứa tuổi 18, đôi mươi đã viết nên một huyền thoại bất tử về lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh về độc lập, tự do, về sự trường tồn của Tổ Quốc (Ảnh: Hoàng Lam).

Bình minh thao thức - vở kịch xúc động về những người làm nên huyền thoại - 10

Vở kịch hát "Bình minh thao thức", kịch bản nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại với sự thể hiện của các diễn viên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, tái hiện về thời khắc bình dị, thiêng liêng, kiên cường và quả cảm của những người chiến sĩ Truông Bồn (Ảnh: Hoàng Lam).