DMagazine

Bi kịch của "chàng trai đẹp nhất thế giới"

(Dân trí) - Chàng trai người Thụy Điển - Björn Andrésen - được mệnh danh là "chàng trai đẹp nhất thế giới". Nhưng nếu vẻ đẹp giống như một lời nguyền, thì đó cũng chính là trường hợp của Andrésen.

Bi kịch của "chàng trai đẹp nhất thế giới"

Chàng trai người Thụy Điển - Björn Andrésen - được mệnh danh là "chàng trai đẹp nhất thế giới". Nhưng nếu vẻ đẹp giống như một lời nguyền, thì đó cũng chính là trường hợp của Andrésen.

Bộ phim "Death In Venice" (1971) của đạo diễn người Ý Luchino Visconti (1906 - 1976) kể câu chuyện về một nhà soạn nhạc đang trong những ngày tháng cuối đời vì vật lộn với bệnh tim.

Ông này thực hiện một kỳ nghỉ ở Venice (Ý) với mục đích thư giãn, dưỡng bệnh, khi lưu lại trong một khách sạn, ông bất ngờ bị thu hút bởi một cậu thiếu niên người Ba Lan có tên Tadzio cũng đang có kỳ nghỉ ở Venice cùng với gia đình. Trong bộ phim này, vai diễn Tadzio được xem như một biểu tượng của cái đẹp hoàn mỹ, đồng thời là biểu tượng của khát khao dục vọng đồng tính.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 1

Vai diễn Tadzio được giao cho nam diễn viên người Thụy Điển Björn Andrésen khi đó 15 tuổi.

Vai diễn Tadzio được giao cho nam diễn viên người Thụy Điển Björn Andrésen khi đó 15 tuổi. Khi tìm diễn viên đảm nhận vai Tadzio, đạo diễn Visconti từng tuyên bố, ông cần "một cậu thiếu niên đẹp trai nhất thế giới", và diện mạo của Björn Andrésen cho tới giờ vẫn được xem là quá đỗi ấn tượng để vào vai Tadzio.

Bộ phim "Death In Venice" khắc họa một tình yêu đồng giới không lời, trong đó, nhà soạn nhạc Gustav von Aschenbach (nam diễn viên Dirk Bogarde) bất ngờ rung động trước một cậu thiếu niên đẹp như tượng tạc - Tadzio (Björn Andrésen). Về sau này, "Death In Venice" được xem như bộ phim điện ảnh có tính chất biểu tượng trong khắc họa tình yêu đồng giới.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 2
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 3
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 4

Ảnh: Bộ phim "Death In Venice" khắc họa một tình yêu đồng giới không lời, trong đó, nhà soạn nhạc Gustav von Aschenbach (nam diễn viên Dirk Bogarde) bất ngờ rung động trước một cậu thiếu niên đẹp như tượng tạc - Tadzio (Björn Andrésen).

Khi bộ phim ra mắt, đạo diễn Visconti đã tuyên bố Andrésen chính là "chàng trai đẹp trai nhất thế giới". Tuyên bố này nhận được sự hưởng ứng, bởi những nét đẹp của fAndrésen quá hoàn hảo như thể những đường nét trên một bức tượng hoàn mỹ. Dù vậy, trải nghiệm của nam diễn viên Björn Andrésen khi bước ra khỏi bộ phim này không hề dễ chịu.

Mới đây, bộ phim tài liệu "The Most Beautiful Boy in the World" đã ra mắt, trong đó, nam diễn viên Björn Andrésen (hiện 66 tuổi) kể về trải nghiệm của ông sau khi bước ra khỏi bộ phim vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời ông. Trong phim, nhân vật Tadzio được khắc họa là một cậu thiếu niên 14 tuổi, còn ngoài đời thực, Björn Andrésen cũng mới chỉ 15 tuổi khi tham gia đóng phim.

Trailer phim "Death In Venice" (1971)

Cậu thiếu niên đẹp nhất thế giới trở thành người đàn ông... buồn bã nhất

Năm 1970, Björn Andrésen là một cậu thiếu niên 15 tuổi nhút nhát, nhưng có ngoại hình đẹp cuốn hút, lại có chút năng khiếu âm nhạc, cậu sống ở Stockholm, Thụy Điển, cùng với người bà có nhiều tham vọng, mong muốn cháu mình sẽ sớm nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí. Người bà thường xuyên đưa cháu trai đi thử vai.

Thế rồi, Björn Andrésen lọt vào mắt xanh của đạo diễn người Ý Luchino Visconti khi ông đang tìm một cậu thiếu niên thật đẹp trai để đóng phim "Death In Venice", một cậu thiếu niên có khả năng làm mê hoặc một nhà soạn nhạc lớn tuổi đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 5

Vẻ đẹp của Björn Andrésen phải nói là hiếm có và dễ khiến người đối diện phải ngẩn ngơ.

Vẻ đẹp của Björn Andrésen phải nói là hiếm có và dễ khiến người đối diện phải ngẩn ngơ, bất kể đó là nam hay nữ, đơn giản bởi vẻ đẹp của cậu quá hoàn hảo, khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ. Với vai diễn trong "Death In Venice", Björn Andrésen ngay lập tức được biết tới.

Nhưng những gì diễn ra sau đó mới là bi kịch, cậu đã trở thành "con mồi" bị săn đuổi. Trong những năm tháng tuổi trẻ, Andrésen phải trải qua nhiều sự hoang mang, hỗn loạn, khởi nguồn từ vai diễn đưa lại danh tiếng cho cậu.

Những năm tháng tuổi trẻ ấy đã vĩnh viễn khiến cuộc sống riêng của Björn Andrésen nhuốm màu bi kịch, điều này đã được chính Andrésen xác nhận trong bộ phim tài liệu vừa ra mắt.

Hiện tại, ở tuổi 66, ông Andrésen nhớ lại bộ phim "Death In Venice" với đầy cay đắng. Khi đến thử vai cho bộ phim, Andrésen đã phải cởi quần áo ngoài để đạo diễn được thấy toàn bộ vẻ đẹp của cậu từ gương mặt cho tới cơ thể.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 6
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 7
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 8

Ảnh: Andrésen trên phim trường "Death In Venice".

Dù đạo diễn Visconti và ê-kíp làm phim không quấy rối tình dục đối với Andrésen nhưng bộ phim này đã biến Andrésen trở thành một biểu tượng của dục vọng đồng tính, một vẻ đẹp tạo nên nỗi khao khát ám ảnh trong nhân vật nhà soạn nhạc Aschenbach.

Sau khi bước ra khỏi bộ phim, Björn Andrésen liền nhận được sự bảo trợ tài chính từ một số nhân vật "khả nghi", mà qua cách kể của ông Andrésen có thể hiểu là, mục đích của những người này khi tìm tới kết giao với ông khi ấy không hề trong sáng vô tư.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 9
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 10
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 11

Ảnh: Ông Björn Andrésen trong hiện tại.

Bộ phim tài liệu "The Most Beautiful Boy In The World" của hai nhà làm phim Kristina Lindström và Kristian Petri đang rất thu hút sự quan tâm của giới điện ảnh, bởi nó cho thấy góc tối trong đời sống của những diễn viên trẻ, khi vừa vào nghề đã được giao cho những vai diễn đẩy họ lên thành biểu tượng gợi cảm, biểu tượng dục vọng.

Sau khi bước ra khỏi bộ phim, Andrésen nhanh chóng nhận được những lời mời hợp tác thu âm ca khúc, lời mời đóng quảng cáo... Và dù làm công việc gì, người ta cũng luôn nhắc tới cậu với danh xưng "chàng trai đẹp trai nhất thế giới". Chính điều này rồi sẽ trở thành cơn ác mộng khiến cuộc sống của Andrésen bị ảnh hưởng vĩnh viễn.

Thực tế, chính ông Andrésen của hiện tại đã phải thốt lên rằng hẳn cuộc sống của ông sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu ông chưa từng gặp đạo diễn Visconti, ông Andrésen cho tới giờ vẫn cảm thấy khốn khổ trước cách đạo diễn Visconti biến mình khi mới ở tuổi 15 trở thành một biểu tượng của dục vọng đồng tính.

Trailer phim tài liệu "The Most Beautiful Boy in the World" (2021)

Từ một biểu tượng của dục vọng đồng tính tới những hoang mang giới tính

Cả đạo diễn Luchino Visconti và nam chính Dirk Bogarde đều là người đồng tính. Bộ phim "Death In Venice" được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Đức Thomas Mann, tác giả này cũng là người đồng tính. Ê-kíp làm phim khi ấy cũng quy tụ nhiều người đồng tính.

Trong khi đó, Andrésen ở tuổi 15 chưa hiểu nhiều về vấn đề giới tính. Theo ông Andrésen, khi ông tham gia bộ phim, đạo diễn Visconti còn từng đưa ông tới những hộp đêm của người đồng tính.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 12
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 13

Ảnh: Điều đáng thương hơn cho Andrésen, đó là cậu gần như một đứa trẻ mồ côi.

Sau này, có nhiều người đàn ông giàu có tiếp cận Andrésen, dành tặng cho chàng trai nhiều món quà xa xỉ, mời cậu đi ăn tại những nhà hàng sang trọng, cho cậu tiền tiêu... chủ yếu là để được ở bên cậu, được đưa cậu đi chơi khắp nơi, khắp chốn, như thể một cách khoe khoang với mọi người về việc mình đang "có quan hệ" với "chàng trai đẹp nhất thế giới".

Điều đáng thương hơn cho Andrésen, đó là cậu gần như một đứa trẻ mồ côi, mẹ cậu sống nay đây mai đó theo phong cách du mục, bà tự sát ở trong rừng năm cậu lên 10 tuổi, cậu không biết cha mình là ai.

Andrésen ở với bà ngoại, nhưng bà cậu lại là người ham mê danh tiếng phù hoa, bà chỉ mong ước cháu mình được biết tới, được săn đón, nên đã vô tình tiếp tay đẩy cháu vào những hoàn cảnh khó khăn.

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 14

Andrésen từng khao khát trở thành một nghệ sĩ dương cầm.

Andrésen từng khao khát trở thành một nghệ sĩ dương cầm, cậu không hào hứng với diễn xuất, nhưng vì bà ngoại muốn cháu mình phải sớm được biết đến, nên cậu đã nghe theo bà, đi tới những buổi thử vai.

Andrésen cho biết trong những năm tháng trưởng thành đầy hoang mang, rối loạn, ông đã bị nghiện rượu và trầm cảm. Cuộc sống của ông đến nay vẫn luôn có những sự rối rắm, hỗn loạn của một người có vấn đề tâm lý bất ổn. Hiện tại, ông sống độc thân trong một căn hộ nhỏ giản dị, nghiện thuốc lá, có một người bạn gái thi thoảng gặp gỡ...

Trong phim "Death In Venice", dù hai nhân vật do Andrésen và Bogarde đảm nhận thường xuyên trao nhau những ánh nhìn tình tứ, nhưng tất cả chỉ có vậy, không có gì hơn thế. Đạo diễn Visconti giải thích rằng: "Đây là một chuyện tình trong sáng, không phải một chuyện tình dục vọng".

Dù vậy, khi bước ra khỏi bộ phim "Death In Venice", Andrésen vẫn là khát khao của nhiều người đồng tính. Cậu nhận được rất nhiều thư từ của fan, đó là những cậu thiếu niên, những chàng thanh niên hay những người đàn ông đứng tuổi..., tất cả họ đều bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Andrésen.

Không thể thoát ra khỏi cái bóng của vai diễn đầu đời, cuộc sống riêng có nhiều bi kịch

Sau này, Andrésen không thể vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của vai diễn trong "Death In Venice". Cả sự nghiệp diễn xuất và sự nghiệp nghệ sĩ dương cầm của ông đều không đi tới đâu. Cuộc sống của ông Andrésen hiện tại khá eo hẹp, chật vật và bấp bênh.

Trước đây, ông Andrésen từng chia sẻ rằng trong những năm tháng tuổi trẻ, ông cảm thấy bối rối xung quanh vấn đề giới tính và từng có một trải nghiệm tình ái với người đồng tính: "Tôi trải qua chuyện ấy chỉ để biết chắc chắn rằng đó không phải là điều mà tôi tìm kiếm".

Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 15
Bi kịch của chàng trai đẹp nhất thế giới - 16

Ảnh: Andrésen cho biết trong những năm tháng tuổi trẻ, ông không cần phải tán tỉnh ai hết.

Andrésen cho biết trong những năm tháng tuổi trẻ, ông không cần phải tán tỉnh ai hết, bởi các cô gái luôn tự tìm tới ông và chờ đợi một tín hiệu. Sau cùng, ông kết hôn với nữ nhà thơ Suzanna Roman và có một cô con gái tên là Robine, sinh năm 1984.

Bi kịch xảy tới khi cậu con trai 9 tháng tuổi của họ - cậu bé Elvin - đột ngột qua đời. Khi ấy, Andrésen đang nằm trên giường bên cạnh con trai nhỏ, ông đang say xỉn sau một đêm ra ngoài vui chơi, người vợ đưa con gái đi học, khi bà trở về, cậu con trai đã qua đời.

Sự việc đó gây ám ảnh đối với Andrésen, ông tự trách mình rất nhiều: "Các bác sĩ nói rằng đó là chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nhưng đối với tôi, tôi luôn nghĩ rằng sự việc xảy ra là vì lúc đó tôi đã say xỉn, không thể trông nom con mình". Sau đó, vợ chồng ông Andrésen chia tay: "Tôi bị trầm cảm, nghiện rượu và suy sụp".

Giờ đây, nhìn lại, ông Andrésen khẳng định rằng việc trở thành một biểu tượng của dục vọng trong bộ phim "Death In Venice", khi tuổi đời còn quá trẻ, là một việc nguy hiểm. Tới hôm nay, cuộc sống của ông Andrésen vẫn có rất nhiều bất ổn, ông vẫn có những đợt suy sụp tâm lý.

Nếu có một bằng chứng nào cho thấy vẻ đẹp đôi khi giống như một lời nguyền đau khổ của định mệnh, thì đó chính là câu chuyện của ông Björn Andrésen.