(Dân trí) - Trong khu phố cổ Hà Nội vẫn còn hàng chục ngôi đình xưa cũ, có những nét kiến trúc đặc trưng riêng, phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển, góp phần tạo nên bản sắc của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Bên trong khuôn viên đình Đức Môn nằm sát tường hồi bên trái chùa Cầu Đông. Quần thể di tích đình - chùa có dấu ấn sâu đậm với một trong bốn cửa của Hoàng thành thời Lý.
Các ngôi đình gắn liền với các di tích và địa danh cụ thể của kinh thành Thăng Long xưa, tồn tại và phát triển cùng với sự hưng thịnh của kinh thành. Ngôi nhà số 8 Hàng Cân còn ghi ba chữ “Đông Môn đình”, là ngôi chùa cổ Cầu Đông hay còn gọi là chùa Đông Môn cùng với đình Đức Môn chính là phía Cửa Đông thành Thăng Long cũ. Do vậy đình Đức Môn – chùa Cầu Đông mang tên gắn với địa danh là Đông Môn (cửa Đông).
Ngôi đình có giá trị thẩm mỹ cao với các yếu tố: đắc địa, kiểu dáng kiến trúc độc đáo, hài hòa gắn bó với thiên nhiên tạo quần thể kiến trúc đẹp, sinh động hấp dẫn trong khu phố cổ.
Đình Đông Thành còn được gọi là đình Hàng Vải ở số 7 Hàng Vải, là nơi thờ thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Xưa kia nơi đây vốn là ngôi đình chung của hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Đến đời Minh Mạng (1820—1840), hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị gộp lại thành làng Đông Thành.
Tháng 10/2011, chính quyền Thành phố Hà Nội quyết định di dời trụ sở một cơ quan và 12 hộ dân với 33 nhân khẩu ra khỏi khu vực di tích, để giải phóng mặt bằng, trùng tu và tôn tạo và khôi phục các hạng mục, kiến trúc gốc của đình được phục dựng gần như nguyên vẹn nhằm phát huy bản sắc văn hóa, cũng như đời sống tinh thần người dân phố cổ Hà Nội.
Các công trình kiến trúc hiện nay của ngôi đình được tập trung trong một không gian khép kín, bao gồm: Nghi môn, Tiền tế, Ống muống và Hậu cung, hợp thành hình chữ Công với tổng diện tích 460m2.
Đình là nơi lưu giữ nhiều di vật quý báu như: Tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng; 8 tấm bia đá thời Nguyễn ghi lại quá trình xây dựng, trùng tu và những người công đức; 9 đạo sắc phong sớm nhất là đạo sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1924), cùng nhiều hoành phi, câu đối.
Đình Thanh Hà ở nhà số 10 Ngõ Gạch là ngôi đình cổ thờ đại vương Trần Lựu - một vị tướng có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc thời Trần (thế kỷ 13).
Đình Thanh Hà quay về hướng Đông, có kiểu bố cục mặt bằng hình chữ công. Vì nằm ở trung tâm khu phố cổ, đình có qui mô tương đối nhỏ, trước cổng đình có hai cây đa lâu năm cao lớn.
Trong khuôn viên đình hiện vẫn có người dân sinh sống, đồng thời cũng là trông coi đình. Hiện đình còn lưu giữ được rất nhiều những di vật quí như bộ hoành phi câu đối, sắc phong, cửa võng, chuông, văn bia... có niên đại từ thời Lê sang thời Nguyễn.
Bên trong hậu cung đình Thanh Hà.
Đình Kim Ngân ở số 42 Hàng Bạc xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV. Ban đầu đình là nơi trao đổi và buôn bán bạc nén, đồng thời là nơi hội họp, truyền nghề và thờ cúng. Điều đặc biệt là đình không thờ ông tổ nghề kim hoàn mà thờ ông Hiên Viên - ông tổ bách nghệ
Đình có kiến trúc cơ bản gồm: nghi môn, sân, tiền tế, hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ "công", đại đình ba gian, hậu cung ba gian, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc hai tầng mái. Đình còn lưu nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn tạo nên.
Đình Kim Ngân thuộc phố Hàng Bạc trước thuộc tổng Đông Thọ, là nơi tập trung chủ yếu của người dân đến từ 3 làng nghề. Người Châu Khê (Hải Dương) là những người đầu tiên đến lập nghiệp tại phố Hàng Bạc, được nhà vua cho phép lập xưởng đúc bạc đầu tiên ở kinh thành Thăng Long. Người làng Định Công cũng ra đây làm nghề kim hoàn và định cư tại đây. Một số khác cũng đến đây làm nghề kim hoàn là dân làng Đồng Sâm (Thái Bình).
Những đồ vật bằng đồng được gia công tinh xảo của người thợ thủ công Thái Bình được bày trong đình Kim Ngân.
Hữu Nghị