Sản phụ khoa
Đẻ mổ tối đa được mấy lần?
Thắc mắc trong bài được giải đáp bởi các bác sĩ khoa Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Khi phải sinh mổ, điều các bà mẹ luôn băn khoăn là có thể sinh được mấy lần, và khoảng cách giữa các lần sinh là bao nhiêu để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cả bà mẹ cũng như em bé. Bác sĩ Bạch Cẩm An - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long, chuyên gia hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản khoa đã có những giải đáp trong bài viết trả lời câu hỏi của độc giả dưới đây.
Hỏi: Chào bác sĩ. Tôi năm nay 26 tuổi. Tôi mang thai tuần 39 và chuẩn bị sinh, bác sĩ tư vấn tôi phải sinh mổ do huyết áp cao. Đây là con đầu lòng của tôi. Thưa bác sĩ, tôi được biết là sinh mổ 1 lần thì những lần sinh sau cũng phải mổ. Nhà tôi muốn con đông, vậy bác sĩ cho tôi hỏi là đẻ mổ được mấy lần là tối đa ạ?
(Chị Nguyễn Minh Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh)
Trả lời: Chào bạn, câu hỏi của bạn cũng là điều quan tâm của rất nhiều bà mẹ, bởi theo các thống kê, có khoảng 40- 60% phụ nữ sinh mổ. Để trả lời cho câu hỏi: “Sinh mổ được mấy lần?”, trước tiên các mẹ cần hiểu rõ được những ưu và nhược điểm khi sinh mổ.
1. Ưu điểm của sinh mổ
- Về phương diện sản khoa thì sinh mổ chính là phương pháp tối ưu để làm giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi nếu mẹ bầu gặp phải các vấn đề bất thường như bệnh lý tim mạch, biến chứng thai kỳ, thai nhi quá lớn hoặc thai suy trong chuyển dạ.
- Sinh mổ là biện pháp dùng một lượng thuốc tê tiêm vào tủy sống, hoặc ngoài màng cứng của tủy sống làm các mẹ bầu hết cảm giác đau đớn khi sinh. Vì vậy mà mẹ bầu không mất nhiều thời gian hay phải chịu những cơn đau chuyển dạ. Nếu như sinh thường có thể kéo dài đến chục tiếng đồng hồ thì một cuộc sinh mổ chỉ mất khoảng 30-45 phút,
- Trong trường hợp mẹ mắc phải một số bệnh trong thời gian mang thai như u nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung,... thì khi mổ lấy thai tùy theo điều kiện sẽ loại bỏ được hoặc để lại xử trí lần sau.
- Trong một số trường hợp việc mổ lấy thai chủ động nhờ có chuẩn bị chu đáo từ trước nên cuộc mổ sẽ an toàn hơn.
2. Nhược điểm khi sinh mổ
- Thuốc gây mê sử dụng trong ca phẫu thuật để lại nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ hay tụt huyết áp, gây dị ứng.
- Sau khi sinh mổ, mức độ phục hồi của người mẹ sẽ lâu hơn và đau đớn hơn so với sinh thường
- Những vết mổ sau khi sinh nếu không được vệ sinh, chăm sóc kỹ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, viêm bàng quang, rau cài răng lược vào sẹo mổ cũ nếu mẹ mang thai lần hai. Đặc biệt, nếu mang thai lần tiếp theo cách thời điểm mổ trước đó chưa tới 2 năm sẽ có nguy cơ bị nứt vết mổ. Sinh mổ càng nhiều lần thì tỷ lệ biến chứng càng cao, đặc biệt là thai làm tổ tại vết mổ, sẹo sẽ dính xấu, mổ khó khăn.
- Do cơ thể chưa hồi phục nên phải mất khoảng vài ngày sau sinh thì ngực mẹ mới bắt đầu sản xuất sữa.
- Trong sinh mổ, em bé không tiếp xúc được với hệ vi khuẩn trong môi trường âm đạo của người mẹ nên hệ miễn dịch của em bé cũng kém hơn.
- Có khả năng gặp phải những biến chứng thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo cao hơn so với sinh thường.
- Mẹ bầu đã từng sinh mổ một lần thì trong những lần mang thai sau sẽ phải tiếp tục sử dụng phương pháp sinh mổ.
- Tỷ lệ em bé sinh mổ suy hô hấp cao hơn so với sinh thường.
3. Trường hợp nào nên sinh mổ?
Do những nhược điểm của sinh mổ như trên nên mẹ chỉ nên sinh mổ trong các trường hợp bắt buộc như:
- Mẹ sinh đôi hoặc đa thai.
- Gặp biến chứng thai kỳ như nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật, suy thai, sa dây rốn,...
- Mẹ đã từng sinh mổ trong lần sinh trước.
- Mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh thận, cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, u xơ tử cung, u nang buồng trứng,...
- Thai nhi quá to không thể sinh thường.
- Thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
- Ngôi thai không thuận hoặc ngôi thai quá cao.
- Sinh non.
- Mẹ có khung xương chậu nhỏ, hẹp.
4. Vậy, đẻ mổ tối đa được mấy lần?
Khi bạn đã sinh mổ lần đầu và cũng là con đầu lòng, theo bình thường nếu như bạn khỏe mạnh và lần sinh mổ trước không có biến chứng gì thì bạn chỉ nên đẻ mổ từ 2 lần. Điều này nhằm bảo vệ sức khỏe cho mẹ vì ở những mẹ sau sinh mổ, tử cung thường bị tổn thương và khó phục hồi hơn sinh thường. Vết sẹo do sinh mổ gây ra đã trở thành nhược điểm lớn trên thành tử cung. Số lần sinh mổ càng nhiều thì mẹ càng dễ gặp phải biến chứng trong lần mang thai và sinh con sau. Có thể là các biến chứng thai kỳ như: Nhau tiền đạo, nhau bong non, rau cài răng lược, vỡ tử cung,... hay các bất thường sau sinh như: Viêm dính tử cung, đau nhức vết mổ, sẹo mổ cũ dính các tạng vào vết mổ thành bụng, đặc biệt là bàng quang. Những nguy cơ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mẹ.
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên nên dùng biện pháp sinh mổ tối đa là 2 lần. Đặc biệt, các mẹ nên có khoảng cách mang thai sau khi sinh mổ ít nhất là 2 năm, để vết mổ được hồi phục hẳn.
Một số trường hợp, có nhiều bà mẹ vẫn sinh mổ lần 3 hoặc 4. Tuy nhiên, sinh mổ lần 3 hoặc 4 có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Bạn nên cân nhắc về việc muốn sinh nhiều con nhé, để đảm bảo tương lai cho cả bạn, em bé và gia đình.
Thấu hiểu được nỗi lo đau đớn khi sinh nở, Vinmec cung cấp chương trình Thai sản trọn gói với dịch vụ “đẻ không đau” trọn vẹn trong khi sinh và sau khi sinh bằng kỹ thuật gây tê màng cứng không morphin và gây tê thần kinh thẹn. Trong suốt quá trình sinh, sản phụ sẽ được các hộ lý hướng dẫn cách rặn đẻ và thở đúng cách, bé sẽ chào đời chỉ trong 10 - 15 phút. Sau khi sinh, bé sẽ được chăm sóc trong phòng vô trùng trước khi được đưa trở về với mẹ.
Sản phụ sẽ được nghỉ ngơi tại phòng bệnh cao cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn quốc tế, 1 mẹ 1 phòng với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, hiện đại, không gian thoáng mát, thoải mái như ở nhà. Mẹ sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn phương pháp nuôi dưỡng bé trước khi xuất viện. Tái khám sau sinh với cả mẹ và bé với các bác sĩ Sản khoa và Nhi khoa hàng đầu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.