Phụ khoa
Bệnh nứt hậu môn
Nứt hậu môn là bệnh phổ biến thứ 3 đến khám ở Khoa hậu môn. Nứt hậu môn thường gặp ở người trẻ và người trung niên, tuy nhiên vẫn có ở trẻ em và người già nhưng với tần suất thấp hơn.
Các triệu chứng
Triệu chứng chính của nứt hậu môn là đau hậu môn khi đi cầu và kéo dài sau khi đi cầu.
Tính chất đau: Đau nhói như vết cắt hay rách khi phân đi qua hậu môn, đôi khi đau kiểu nóng rát và kéo dài nhiều giờ sau khi đi cầu xong. Hiện tượng chảy máu có thể có hoặc không, máu đỏ nhạt thường không nhiều. Có một khối da thừa ở hậu môn ở đường giữa sau, có khi bệnh nhân than đau ở khối da thừa này. Chảy dịch ở hậu môn : thường ít và chỉ thấy dính dịch vào quần lót, ngứa hậu môn do kích thích của dịch tiết này. Táo bón là triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân bị nứt hậu môn. Đôi khi đau hậu môn kèm theo triệu chứng tiểu gắt, tiểu đau hay bí tiểu.
Nứt hậu môn cấp tính thường sẽ lành sau đợt điều trị nội khoa, nhưng đôi khi tổn thương không lành hẳn. Nếu nứt hậu môn cấp tính không lành sau điều trị nội khoa sẽ xuất hiện tổn thương thứ phát. Đầu tiên là sự viêm nề của phần đầu dưới của vết nứt hình thành một tổn thương viêm nề được gọi là khối da thừa (sentinel pile).
Khối viêm nề đầu dưới của vết nứt hình thành do nhiễm trùng làm phù nề bạch mạch gây triệu chứng đau và viêm nề khối này. Sau đó, khối viêm nề này sẽ xơ hóa và hình thành mảnh da thừa xơ hóa. Sau nhiều tháng, vết nứt không lành sẽ tạo ra vết loét sâu đến lớp cơ thắt trong, xơ hóa, dẫn đến hậu quả kích thích co thắt của cơ thắt trong và xơ hóa phần cơ bị kích thích này. Dù ở thời kỳ nào cũng có thể gây ra tình trạng tạo mủ ở vết loét, dẫn đến áp xe giữa hai cơ thắt hay áp xe quanh hậu môn và gây ra rò hậu môn thấp với lỗ rò ngoài được mở ra ở đường giữa sau của hậu môn.
Đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh nứt hậu môn. Nhưng yếu tố gây bệnh được ghi nhận là do chấn thương ống hậu môn với nguyên do đi cầu với phân cứng và to. Bệnh lý viêm đại trực tràng, nhất là bệnh Crohn, là nguyên nhân được ghi nhận gây ra nứt hậu môn. Tiền sử phẫu thuật vùng hậu môn như cắt trĩ hay thủ thuật như thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ, quang đông hồng ngoại... cũng được ghi nhận gây ra biến chứng nứt hậu môn. Trường hợp nứt hậu môn ở vị trí giữa trước ống hậu môn ghi nhận xảy ra ở phụ nữ sau sinh qua ngả âm đạo.
Phương pháp điều trị
Điều trị không xâm nhập là chống táo bón với thuốc tạo khối phân, thuốc nhuận tràng, ngâm hậu môn với nước ấm giúp dãn cơ thắt hay dùng thuốc bôi tê tại chỗ bôi vào ống hậu môn, tránh bôi ở da quanh hậu môn, có thể gây viêm da. Còn điều trị bằng dụng cụ là nong hậu môn dưới gây mê giúp cơ thắt dãn ra, chích Botulinum Toxin A vào cơ thắt trong với mục đích làm dãn cơ thắt. Phẫu thuật áp dụng trong điều trị nứt hậu môn mạn tính.
Điều trị nứt hậu môn không phức tạp nhưng cần phải can thiệp sớm để bệnh nhân sớm quay trở lại nếp sống sinh hoạt bình thường và tránh tình trạng bệnh nặng hơn. Vì vậy, hãy đến khám tại phòng khám chuyên khoa ngay khi bạn có các triệu chứng bệnh như trên.