Tổng quan bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Tuyến Bartholin là một tuyến nhỏ, dạng hình cầu, đường kính khoảng 1cm, nằm ở dưới da trong hai bên âm đạo. Tuyến được cấu tạo bởi các tế bào trụ tiết nhầy, có chức năng tiết ra chất nhầy giúp giữ ẩm cho âm đạo và bôi trơn khi quan hệ tình dục.
Nang tuyến bartholin hay còn gọi là viêm tuyến bartholin (Bartholin’s cyst) là một bệnh lý chiếm tỉ lệ khoảng 2% các bệnh phụ khoa ở phụ nữ. Bệnh xảy ra chủ yếu ở phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Đặc trưng của bệnh là tình trạng sưng hoặc phù ,thường là ở một bên âm đạo.
Nang tuyến bartholin có nguy hiểm không? Khi nang tuyến bartholin có kích thước nhỏ, bệnh thường không có tự triệu chứng gì và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi nang phát triển với kích thước lớn hoặc bị nhiễm trùng sẽ gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và nhiều nguy cơ với sức khỏe, bệnh nhân cần phải tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Nguyên nhân bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Nang tuyến bartholin hình thành do các ống tuyến bị tắt nghẽn trong khi tuyến vẫn tiết ra chất nhầy làm hình thành nang có thành mỏng. Nguyên nhân gây tắc nghẽn ống tuyến thường do:
Nhiễm trùng: những vi khuẩn gây tắc nghẽn tuyến bartholin thường là các vi khuẩn có thể lây qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, các vi khuẩn đường ruột như Escherichia coli (E.coli).
Chấn thương vùng sinh dục ngoài phụ nữ.
Triệu chứng bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Khi các nang tuyến Bartholin kích thước nhỏ, chúng thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các nang này thường được phát hiện khi người phụ nữ nhận thấy một khối nhỏ, không đau ngay bên ngoài cửa vào âm đạo, hoặc bác sĩ phát hiện trong một cuộc kiểm tra vùng chậu thông thường.
Tuy nhiên, nếu nang tuyến Bartholin phát triển với đường kính lớn hơn 1cm, chúng sẽ gây đau, khó chịu khi ngồi và khi quan hệ tình dục. Nếu nang bị nhiễm trùng sẽ trở nên sưng, cứng, chứa đầy mủ, bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt, cảm giác rất đau, khó khăn khi ngồi hoặc đi lại. Các nang nhiễm trùng thường sẽ tạo thành áp xe, các áp xe này phát triển rất nhanh thường trong 2-4 ngày.
Nang tuyến bartholin làm tuyến bartholin không tiết chất nhờn gây cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục đồng thời kích thích bàng quang nên người bệnh dễ bị rối loạn tiểu tiện.
U nang hoặc áp xe Bartholin thường chỉ xảy ra ở một bên của cửa âm đạo.
Đường lây truyền bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Phụ nữ có thể bị nang tuyến bartholin khi bị nhiễm các vi khuẩn lây qua đường tình dục từ bạn tình.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Phụ nữ có thể bị viêm tuyến Bartholin ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên những phụ nữ tuổi từ 20-29 có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thường gặp là:
Phụ nữ đang mang thai
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường
Phụ nữ quan hệ tình dục không an toàn, phụ nữ mắc các bệnh lây qua đường tình dục.a
Phòng ngừa bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ hình thành các nang bartholin. Tuy nhiên, thực hiện các thói quen tốt sau sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng gây nang, hạn chế nguy cơ hình thành áp xe:
Vệ sinh cơ thể đúng cách, giữ vùng kín khô ráo, sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp. Khi lau vùng kính, nên lau từ trước ra sau để các vi khuẩn từ hậu môn không lây cho âm đạo. Lưu ý chỉ vệ sinh vùng ngoài, không thụt rửa sâu âm đạo.
Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, sử dụng các biện pháp bảo vệ để tránh nguy cơ bị lây các bệnh qua đường tình dục.
Khi có các dấu hiệu đau hay sưng vùng âm đạo, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Để chuẩn đoán u nang Bartholin, các bác sĩ sẽ:
Tìm hiểu về tiền sử bệnh của bệnh nhân
Thực hiện khám phụ khoa: xem xét các triệu chứng lâm sàng, quan sát tổn thương, xác định kích thước, độ di động, mật độ của nang và cảm giác đau khi ấn vào.
Các bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để xác định có tình trạng nhiễm trùng hay không đồng thời lấy mẫu dịch tiết từ âm đạo hoặc cổ tử cung xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Đối với phụ nữ mãn kinh hoặc trên 40 tuổi, áp xe Bartholin có thể biến chứng thành ung thư. Do đó, đối với những đối tượng bệnh nhân này, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết để kiểm tra có các tế bào ung thư không.
Một số bệnh lý vùng âm hộ- âm đạo có triệu chứng bệnh tương tự nang tuyến bartholin như: u mỡ hay nang vùng môi lớn, tụ máu vùng âm hộ, nang tuyến Skene. Bác sĩ sẽ chuẩn đoán phân biệt dựa vào trạng thái tổn thương, tiền sử bệnh, vị trí nang,…
Các biện pháp điều trị bệnh Nang tuyến Bartholin (viêm tuyến Bartholin)
Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Viêm nang tuyến Bartholin có tự khỏi ? Các nang có kích thước nhỏ, không có các triệu chứng như đau, chảy mủ, nang có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải khám theo định kỳ để theo dõi sự phát triển của nang.
Trường hợp bệnh nhân bị sưng, viêm nhẹ có thể sử dụng phương pháp tắm nước nóng nhiều lần trong ngày để làm nang nhanh vỡ. Sử dụng gạc chườm hơi nóng cũng có thể làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh kết hợp với các thuốc giảm đau chống viêm để giảm đau và làm tan các u nang
Trong các trường hợp nang tuyến bartholin thành áp xe lớn, gây sưng, đau, nhiễm trùng, chảy mủ. Có hai cách điều trị phổ biến đó là:
Rạch nang tuyến bartholin: bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê, dùng dao mổ rạch một đường nhỏ trong u nang cho thoát dịch ra, sau đó khâu quanh mép nang bằng chỉ tan, giúp tái tạo nang tuyến.
Bóc nang tuyến Bartholin: là thủ thuật cắt bỏ hoàn toàn nang tuyến bartholin. Quy trình bóc nang tuyến bartholin gồm các bước như sau:
Bước 1: chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật, các loại thuốc và bông băng cần thiết.
Bước 2: sau khi xác định vị trí các nang tuyến bartholin, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ở vị trí phù hợp. Vị trí rạch có thể là: rạch giữa nếp gấp môi lớn và môi bé, rạch bờ môi lớn ở chỗ căng phồng của tuyến bartholin hoặc rạch ở mặt ngoài môi lớn.
Bước 3: Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành bóc nang tuyến bartholin. Do bề ngoài của nang thường khó bóc tách hơn mặt trong. Nên trong quá trình bóc, bác sĩ phải cần trọng để tránh làm vỡ khối viêm, tránh để dịch mủ thoát ra ngoài qua lỗ tiết của tuyến.
Bước 4: Sau khi bóc nang xong, bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu, phương pháp thường sử dụng là khâu qua đáy khoang bóc tách bằng chỉ Vinyl. Trường hợp bệnh nhân chảy máu nhiều hoặc có mủ, bác sĩ sẽ đặt dụng cụ để dẫn lưu chất lỏng ra ngoài.