Tổng quan bệnh Viêm túi tinh
Viêm túi tinh là bệnh lý được quan tâm nhiều ở nam giới. Tuy không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng viêm túi tinh thường khiến người bệnh lo lắng, làm giảm chất lượng đời sống tình dục với biểu hiện đặc trưng là xuất tinh ra máu hoặc mủ. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị bệnh với kháng sinh kịp thời giúp bệnh hồi phục nhanh chóng và thường không để lại di chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân bệnh Viêm túi tinh
Nguyên nhân gây nên bệnh viêm túi tinh rất đa dạng.
Tình trạng nhiễm khuẩn ở các vùng lân cận như viêm đường tiểu, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt là những nguyên nhân thường gặp.
Ít gặp hơn là nguyên nhân từ bệnh lý của các cơ quan khác trên cơ thể như viêm tai giữa, viêm họng, viêm phế quản.
Ngoài ra, viêm túi tinh cũng có thể xuất hiện sau các thủ thuật của thầy thuốc tại đường tiết niệu gây ra các lỗ dò vào túi tinh.
Các dị tật bẩm sinh có lỗ đổ nước tiểu sai chỗ, đổ vào túi tinh cũng có thể dẫn tới bệnh lý này.
Triệu chứng bệnh Viêm túi tinh
Triệu chứng viêm túi tinh thường biểu hiện bằng những biểu hiện tại chỗ. Bệnh nhân mắc bệnh viêm túi tinh thường gặp phải tình trạng đau ở mào tinh và tuyến tiền tiệt nhưng khi thăm khám thường không thấy biểu hiện viêm ở mào tinh hay tuyến tiền liệt. Triệu chứng đau còn xuất hiện ở vùng bìu lan đến hậu môn khi bệnh nhân đi tiểu hay khi giao hợp, đau nhiều hơn khi xuất tinh, vì vậy khó đạt được khoái cảm trong quan hệ tình dục. Xuất tinh rỉ rả, có kèm máu hoặc mủ. Lượng tinh dịch tăng lên khi viêm túi tinh cấp tính và giảm xuống khi bệnh diễn tiến mạn tính. Một số trường hợp còn gặp phải các biểu hiện của tình trạng rối loạn cương dương.
Phòng ngừa bệnh Viêm túi tinh
Điều trị khỏi các bệnh viêm đường tiểu, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang,… để tránh lây lan đến túi tinh là cách phòng ngừa bệnh viêm túi tinh hiệu quả.
Điều trị dứt điểm các đợt viêm túi tinh cấp tính với kháng sinh theo đúng kháng sinh đồ để dự phòng tái phát, ngăn chặn bệnh diễn tiến kéo dài và phòng ngừa các biến chứng.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm túi tinh
Chẩn đoán viêm túi tinh thường được thực hiện khá dễ dàng khi phối hợp các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
Xét nghiệm cận lâm sàng: soi tươi tinh dịch phát hiện nhiều xác bạch cầu, nuôi cấy tinh dịch có thể phát hiện được vi khuẩn gây bệnh.
Siêu âm túi tinh qua đầu dò trực tràng hoặc siêu âm bụng với bàng quang đầy nước tiểu thấy được hình ảnh túi tinh giãn lớn, thành túi dày giúp chẩn đoán bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm túi tinh
Nội khoa là phương pháp đầu tay bao gồm điều trị kháng sinh đặc hiệu và điều trị giảm nhẹ triệu chứng. Kháng sinh tốt nhất nên được sử dụng theo kháng sinh đồ khi nuôi cấy tinh dịch. Các loại kháng sinh thường được dùng để điều trị bệnh viêm túi tinh là Augmentin phối hợp Gentamycin hoặc Cefotaxim phối hợp Tobramycin, dùng liều tấn công trong 7 ngày bằng đường tiêm tĩnh mạch, sau đó chuyển sang đường uống trong 10 – 14 ngày. Thầy thuốc có thể phối hợp thêm các thuốc giảm đau như Paracetamol, Spasmaverine hoặc nhóm thuốc kháng viêm steroid nếu không có chống chỉ định.