Nỗi khổ của đàn ông ở rể

Trong cuộc sống gia đình, ứng xử thế nào cho hợp đạo lý đối với những người trong thân tộc không đơn giản chút nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba mẹ mất sớm, vợ Đạt là em gái độc nhất và là út trong gia đình có hai anh trai. Hai người anh thay ba mẹ nuôi nấng vợ Đạt ăn học đến nơi đến chốn, rồi còn lo cả việc dựng vợ gả chồng cho em.

Riêng Đạt hồi ấy là sinh viên vừa ra trường, công ăn việc làm chưa ổn định. Ấy vậy mà hai anh không chê, còn đứng ra tác hợp cho Đạt và vợ nên duyên. Từ dân tỉnh lẻ bỗng chốc thành cư dân của thành phố lớn lại còn cưới được vợ xinh, Đạt sướng đến ngất ngây.

Cảm kích trước tình thương và cái ơn to lớn của mấy ông anh vợ, Đạt nghĩ mình có bổn phận sống làm sao cho phải đạo trước ân tình cưu mang của họ. Vì thế, gia đình các anh có việc gì nhờ, Đạt luôn nhiệt tình, tận tụy.

Không kể sớm nắng chiều mưa, khi thì sang sơn hộ nhà cho anh cả để gia đình ăn tết, lúc thì đưa đón đứa con trai út giùm anh hai… Hễ các anh đánh tiếng nhờ vả, Đạt không bao giờ từ chối, ba chân bốn cẳng chạy đến ngay. Nhiều lúc Đạt còn đùa với vợ: "Đời của ta, hai anh gọi là ta có ngay".

Bạn bè, người hiểu được hoàn cảnh của Đạt thì cảm thông, người không hiểu thì mỉa mai châm chọc cho rằng Đạt không có bản lĩnh, khờ khạo để người ta lợi dụng… Trong thâm tâm, nhiều lúc Đạt cũng có đôi chút băn khoăn song đó chỉ là những suy nghĩ thoáng qua, bởi Đạt luôn nhủ rằng nếu không có hai người anh tốt bụng kia, làm gì Đạt có được mái gia đình hạnh phúc như ngày nay. Mang ơn thì phải trả, và việc giúp đỡ vợ chồng hai anh cũng là cách Đạt đền đáp phần nào công lao to lớn của họ.

Những ngày giỗ chạp nhà vợ, Đạt về bên ấy rất sớm, sốt sắng, chạy đi chạy lại bưng bê, kê dọn bàn ghế để các ông anh tiếp khách. Cúng kiếng xong, khi khách cùng gia đình nâng ly mà thiếu đá, thiếu ly, nghe các anh gọi: "Cậu út đâu! Lấy thêm bia đi", "Đá bàn này đâu?" "Bàn kia còn thiếu cái chén"… là Đạt bỏ đũa xuống ngay, cấp tập chạy qua chạy lại xăng xái phục vụ. Khi tàn tiệc khách khứa lục tục kéo về, Đạt luôn là người thu dọn chiến trường và vác bàn ghế đi trả, dù mệt bở hơi tai cũng phải cố gắng gượng cười cho các anh vui. Mang tiếng đi ăn giỗ, nhưng hầu như lúc nào Đạt cũng mang cái bụng lép kẹp về nhà. Những phút giây ấy, Đạt cảm thấy chạnh lòng về thân phận rể út của mình.

Đôi khi tâm sự với bạn bè, Đạt tần ngần: "Nếu ai đó nói thà ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ, thì với tình cảnh của mình mặc dầu không ở nhà vợ nhưng sao vẫn có chút thấm thía, nhưng biết làm sao được, thương vợ thì đành chấp nhận".

Theo Nguyễn Văn Học
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm