Khi bé là “con nợ”

(Dân trí) - Cô Hương, phụ huynh một học sinh lớp 3 đứng đôi co với bà chủ quán nước khá cao tuổi ở cổng trường. Chỉ vì con cô “nợ” quá nhiều, lại mất tăm mấy hôm nên bà chủ quán mới phải tóm ngay lấy phụ huynh để “giải quyết”.

Nhìn số nợ lên đến gần 150 nghìn, cô Hương bực lắm, nhất quyết không trả và nói thẳng: "Nó còn nhỏ biết gì mà bác bán hàng cho nó, lại còn cho nó nợ nần. Học sinh lấy đâu từng đấy tiền mà trả, hay bác xúi nó về nhà ăn cắp tiền của tôi".

 

Câu chuyện cứ qua lại như thế cho đến lúc bà chủ quán dọa sẽ báo lên trường, phụ huynh mới chịu rút tiền ra trả. Tất nhiên về nhà “con nợ” được một trận no đòn, hôm sau mếu máo đến lớp ủ rũ không ăn uống, chỉ biết nhìn đống đồ chơi của bạn bè trong thèm thuồng tiếc nuối.

 

Không ít học sinh ngay từ nhỏ đã được bố mẹ cho tiền, cầm tiền để mua thứ nọ thứ kia, đến lúc đi học các em lại không "cầm lòng" nổi trước sự cám dỗ của những thứ đồ chơi như đề can, truyện tranh, đồ ăn me, xoài, cóc, ổi…

 

Có tiền, các em trở thành khách quen và nhận được sự tin tưởng của người lớn, "uy tín" đến nỗi mua chịu lúc nào trả cũng được. Ung dung ăn uống không phải trả tiền, đến lúc bị chủ quán đòi các em mới đánh liều một quả. Đa số các em dạng này đều sống trong gia đình khá giả, bố mẹ để tiền hớ hênh nên vô tình tạo điều kiện cho con hình thành thói quen xấu vô ý thức.

 

Không chỉ nợ hàng quán, các em còn trở thành “con nợ” của chính bạn bè mình. Bé Phương, học lớp 5 trường N.T. vừa mới bán cho bạn bộ đồ chơi xếp hình với giá 30.000 đồng, hý hửng nhảy vào quán nước trả nợ.

 

Cô bé đã mua được đồ chơi của bạn thì hân hoan mừng rỡ ôm khư khư đồ chơi trên tay. Có ai hỏi "ở đâu ra" thì cô bé bảo "cái Phương cho cháu, nó chơi chán rồi". Hóa ra đây là cách để cô bé đối phó với gia đình khi bố mẹ có hỏi cái này, cái kia lấy từ đâu. Cô bé là "khách quen” mua đồ chơi của Phương, không có tiền trả ngay thì Phương cho nợ.

 

Không hiểu các em học từ đâu những câu đối phó, lý do hoàn hảo như thế. Nhưng rõ ràng gia đình và cả nhà trường vẫn lỏng lẻo trong việc quản lý học sinh.

 

Chỉ cần phụ huynh đón muộn một chút các em đã có thêm thời gian ngồi chờ và ngồi ăn nợ, thêm thói quen tiêu tiền và sự hớ hênh của bố mẹ, các em đều có thể trở thành "kẻ trộm" trong nhà.

 

Mẹ của em Trung - lớp 5 - ngồi than về thằng con hư, mới tý tuổi đầu đã lấy của mẹ số tiền lên đến 1 triệu đồng. Vì số tiền quá lớn nên chị cũng chỉ nghĩ là chồng lấy chứ không dám nghi cho con, cho đến khi vô tình thấy trong vở con kẹp 6 tờ 100 nghìn còn thừa chị mới dám khẳng định.

 

Đau lòng vì con hư, lo lắng không biết con lấy tiền làm gì, chị đã lập tức liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để làm rõ, đồng thời dùng đủ biện pháp để bắt bé phải khai ra đi đâu, làm gì với số tiền mới biết Trung ném tiền vào… quán điện tư, ăn quà vặt, mua đồ chơi và cả truyện tranh!

 

Sau đận ấy Trung bị phạt ngồi viết kiểm điểm 100 lần nước mắt ngắn nước mắt dài. Cả nhà đã họp lại, thống nhất tìm cách quản lý, dạy bảo Trung sát sao hơn.

 

Vấp phải tình huống bất ngờ, nhiều phụ huynh giấu không báo cho giáo viên chủ nhiệm vì sợ mang tiếng, sợ mất danh dự. Họ giải quyết nội bộ, nếu không phải bằng roi vọt thì cũng là mắng chửi đe dọa.

 

Thông thường trẻ sẽ rất sợ và chắc chắn sẽ nói dối theo bản năng để thoát tội, quanh co vòng vèo chứ không nhận lỗi. Tốt nhất phụ huynh nên kiềm chế nóng giận mà nhẹ nhàng khuyên bảo con cái một cách nghiêm khắc sẽ có hiệu quả hơn. Phối hợp với nhà trường giáo dục con cũng là điều cần thiết, nên làm.

 

Tùng Nhi

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái