Cười khì

Tôi không thích má ở cái tính vô tư quá. Chuyện gì má cũng cười khì, ngay cả những chuyện mà nếu là tôi thì hẳn phải tung hê tất cả rồi tới đâu cũng đành.

 

  

Cười khì


Như khi ba đi nhậu với lý do làm ăn phải vậy và trở về nhà với vết son môi trên vai áo, má cười cười như không thấy rồi khuấy nước chanh, tiếng muỗng va vào ly thủy tinh lanh ca lanh canh như chuyện vui thôi mà, trong khi chị em tôi tức giận vô cùng. Sáng ra, tỉnh rượu, nghe chị em tôi kể lại bằng giọng hờn giận lên án, ba lo lắng hỏi “lúc đó má con có nói gì không?”. Có khi chị em tôi bịa ra cơn giận nặng nề của má để xem ba thế nào, nhưng nhìn mặt má và cách má chăm sóc nhà cửa, cơm nước như không có chuyện gì thì ba biết ngay là tụi tôi xạo, còn cho là vết son môi do chị em tôi sáng tác ra để làm cớ ngăn cản ba nhậu nhẹt. Vậy nên khi lại có vết son đỏ xuất hiện trên vai áo ba, chị em tôi quyết giữ lại để sáng mai trưng bằng chứng, nhưng khi chúng tôi ngủ say thì má đã giặt sạch mất rồi.

 

- Má mình hiền quá - chị em tôi ai cũng nói vậy và bực bội thêm - Hiền đến vô tư, ai muốn nói gì, làm gì cũng được.

 

Nếu là tôi, tôi sẽ xách va ly ra khỏi nhà ngay lần đầu tiên thấy vết son.

 

- Nếu là chị đó hả - chị hai nói - dại gì bỏ nhà đi. Chị sẽ tới quán đó chụp hình bắt quả tang và người phải ra đi là ba.

 

- Nếu là em - em gái tôi nói - sau đó đừng hòng có nước chanh và phải ngủ ở ghế phòng khách.

 

Nghe chị em tôi bàn luận càng lúc càng nóng, má cũng chỉ cười khì.

 

Lần lượt chị em tôi lấy chồng, đứa nào cũng được má tới nuôi đẻ cho dù con so hay con rạ. Chồng tôi làm tiếp thị nên thường đi cả ngày và nhiều khi phải về các tỉnh suốt tuần. Khi tôi đau bụng quằn quại anh vẫn còn đang trên đường về, bà y tá trực cứ hỏi “chồng đâu mà lúc này không thấy?” khiến tôi tủi thân vô cùng. Má thủ thỉ “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh con à”, rồi má cười khì “cảnh gì thì cảnh, nhìn mấy ông chồng thất nghiệp lúc nào cũng lẩn quẩn ở nhà với vợ mà phát ớn”.

 

Có má chăm sóc tôi và con, chồng tôi yên tâm với những chuyến đi xa. Ý nghĩ chồng mình đang cố gắng kiếm tiền nuôi vợ con khiến tôi thấy vui hơn. Nhưng có chuyến đi bán hàng không thành công, về tới nhà, anh tính toán tiền bạc rồi cáu kỉnh: “Tháng này thâm hụt quá, cũng vì tốn kém thêm khoản má tới ở nhà mình”.

 

Tôi sững sờ không tin vào tai mình. Người đàn ông của đời tôi lại có thể ngu ngốc đến mức này sao? Lẽ ra anh phải trăm lần cám ơn má đã thay anh làm mọi việc mới đúng. Và lẽ ra anh phải cám ơn cả ba tôi đã chịu để cho má đi một mạch suốt mấy tháng trời.

 

Tôi hổ thẹn đến nỗi không biết nói gì, nín lặng đợi má chửi cho một trận hoặc ít nhất là xếp áo quần bỏ đi ngay. Nhưng không, má tiếp tục chăm sóc tôi chu đáo cho đủ ba tháng mười ngày, dĩ nhiên chồng tôi cũng được má chăm cơm ngon canh ngọt mỗi khi anh về tới nhà. Không khí gia đình ổn đến mức tôi tự nhủ, hay là hôm đó má đang nghĩ gì nên không nghe câu nói đó? Hay câu nói đó là do tôi tưởng tượng ra hoặc từ nhà hàng xóm vọng qua? Là tôi biết mình hão huyền về người đàn ông hoàn hảo là chồng mình, hy vọng chồng mình thì không thể mắc lỗi tệ hại vậy được.

 

Có lúc chuyện trò với má về công việc của chồng, tôi gần xa gợi lại để má có cớ nhắc tội của chồng, để tôi nói thay lời xin lỗi. Nhưng không, má chỉ nói làm ăn kiếm tiền ngày càng khó khăn nên đàn ông dễ nổi nóng hơn, mà người nổi nóng thì ôi thôi thôi... cho nên là đàn bà càng phải cố gắng mềm mỏng hơn để cân bằng. Cứ vậy, mỗi khi tôi đề cập tới chồng thì má lại biến nó thành dịp để khuyên tôi điều gì đó.

 

Không rạch ròi được điều này khiến tôi lúc nào cũng như đang bị án treo, giận chồng mà không nói ra được vì sợ má buồn, và cảm giác có lỗi với má mà mình chẳng thể làm gì, càng khiến tôi bứt rứt không yên. Nhất là những đêm bé con quấy khóc, để tôi được ngủ ngon và tiếng khóc không làm mất giấc ngủ của chồng tôi ở phòng bên cạnh, má bồng cháu đi ra phòng khách dỗ dành vỗ về, sáng ra chúng tôi khỏe khoắn tươi tỉnh còn má thì mắt quầng thâm và quay mặt che cái ngáp dài.

 

Ngày cuối cùng của ba tháng mười ngày, má đi chợ mua về nhiều thức ăn chất đầy tủ lạnh. “Quen có má rồi, bây giờ chỉ một mình mấy ngày đầu sẽ lấn bấn lắm đây, có đồ sẵn trong tủ lạnh để con đỡ công đi chợ”, má nói dịu dàng khiến tôi muốn khóc. Món này là cho tôi, món kia cho chồng tôi: “Con sinh đẻ ăn uống kiêng cữ nhưng chồng con thì đâu có kiêng. Công việc xa nhà cơm hàng cháo chợ hoài, về tới nhà là thèm cơm nhà lắm đó con”. Má đi quanh nhà, dọn thứ này dẹp thứ kia cho tôi thêm lần nữa trong khi chờ xe khách đến đón.

 

Tôi nhìn kim đồng hồ, chỉ còn mấy phút nữa thôi là má lên xe về với ba, còn lại mình tôi với đứa con bé nhỏ và người chồng mà tôi chợt nhìn thấy nhiều khiếm khuyết chưa từng biết trước đây, bỗng tôi thấy cô đơn và mơ hồ nhận ra cái gì đó như nỗi sợ hãi tương lai không lường được.

 

Má vuốt tóc tôi: “Phận đàn bà, có những chuyện mình làm bộ như không nghe, không thấy, không biết mà lại giữ gia đình được yên. Như ba con, sau cơn say không bao giờ tin có vết son môi nghĩa là trong đầu ba vẫn tự tin và vẫn muốn mình là chồng tốt cha tốt. Vậy không hơn là má xách va ly bỏ đi như con nói, hoặc người phải ra đi là ba như chị hai con nói sao?”.

 

Tôi òa khóc. Má lau nước mắt cho tôi: “Sinh đẻ đừng khóc hư mắt con à. Nhân vô thập toàn. Miễn là có tình thương thì mình chấp nhận được hết. Mà không phải mình dại dột thương người dưng đâu”. Má cười khì “như là nếu má giận chồng con mà bỏ đi thì người khổ trước tiên là con của má, đúng không?”.

 

Theo Nguyên Hương

PNO

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái