1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Sự cố tắt tiếng Quốc ca: Hình ảnh Quốc gia không được phép xúc phạm

An An

(Dân trí) - Dư luận đang thể hiện sự phẫn nộ và đặt nhiều dấu hỏi về việc đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2020 là Next Media ngắt Quốc ca trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào ngày 6/12.

Sự cố nghiêm trọng ngắt nhạc Quốc ca trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào ở AFF Cup 2020 đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận và rất nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý nghiêm khắc. 

Ở vụ việc này, hiện vẫn chưa đơn vị nào chịu trách nhiệm bởi liên quan tới nhiều bên. Đầu tiên, VFF với vai trò là một Liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, có trách nhiệm phải cung cấp bản thu âm Quốc ca chuẩn cho Ban tổ chức giải AFF Cup 2020.

Thực tế, VFF khẳng định đã cung cấp một bản thu âm Quốc ca chuẩn cho Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), từ đó các giải đấu quốc tế có thể lấy bản thu âm này để phát trong nghi lễ hát Quốc ca trước mỗi trận đấu.

Sự cố tắt tiếng Quốc ca: Hình ảnh Quốc gia không được phép xúc phạm - 1
Nghi lễ hát Quốc ca rất thiêng liêng trước mỗi trận đấu.

Nhưng sau khi sự cố xảy ra, đại diện VFF thừa nhận trước nay chưa bao giờ xảy ra việc này, và trước mắt sẽ kiểm tra lại quy trình, đồng thời gửi bản thu âm Quốc ca mới cho ban tổ chức AFF Cup 2020. 

Sau VFF, đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2020 tại Việt Nam, Next Media được cho là đã xử lý thiếu phù hợp, nếu không muốn nói là xúc phạm đến những điều thiêng liêng nhất.

Quốc ca đã bị tắt tiếng và trên màn hình nền tảng Youtube mà Next Media nắm bản quyền, thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm".

Thời điểm nhạc Quốc ca bị ngắt, có hàng chục nghìn người đang theo dõi trận đấu trên nền tảng Youtube của đơn vị trên, và sự phản ứng của dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Sự cố tắt tiếng Quốc ca: Hình ảnh Quốc gia không được phép xúc phạm - 2
Thông báo trên nền tảng Youtube của đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2020 tại Việt Nam.

Vì sao phía đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2020 tại Việt Nam lại đưa ra một quyết định gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia như vậy? Phải chăng chỉ vì sợ "đánh bản quyền", lo ngại mất lợi nhuận nên đơn vị này hành xử theo cách không giống ai: Tắt tiếng Quốc ca.

Dù vì bất kỳ lý do gì, việc một doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 trên nền tảng số là trái quy định pháp luật và cần phải xử lý nghiêm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

"Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng, đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2020 là Next Media cam kết các trận đấu tiếp theo của đội tuyển Việt Nam sẽ bật âm thanh Quốc ca Việt Nam.

Với hơn 90 triệu người dân Việt Nam, việc Quốc ca bị tắt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đã làm tổn thương lòng tự hào dân tộc; là điều không thể khoan thứ.

Hy vọng là sau sự cố đáng tiếc vừa qua, các bên cùng rút ra bài học và luôn nhắc nhớ nhau về lòng yêu nước, về những điều chúng ta được răn dạy từ thuở lọt lòng: Tinh thần ái quốc, tự tôn dân tộc luôn cao hơn những toan tính vụ lợi cá nhân.

Sự cố tắt tiếng Quốc ca: Hình ảnh Quốc gia không được phép xúc phạm - 3
Dòng sự kiện: AFF Cup 2020