1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Đội tuyển Việt Nam lại thất bại: Bước lùi… đầy giá trị

H.Long

(Dân trí) - Trong quá trình vươn lên, có những giai đoạn mà đội tuyển Việt Nam cần phải biết cách chấp nhận những trận thua liểng xiểng như hiện nay. Bởi lẽ, nó đôi khi là "liều thuốc tốt" với đội bóng.

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là trình độ của đội tuyển Việt Nam vẫn còn kém quá xa so với các đội bóng hàng đầu châu Á. Không chỉ báo chí Việt Nam, mà ngay cả truyền thông của Trung Quốc cũng chỉ ra điều đó. Bởi lẽ, đừng lạ lẫm nếu như tới thời điểm này, chúng ta thua cả 6 trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Đội tuyển Việt Nam lại thất bại: Bước lùi… đầy giá trị - 1

Trình độ của đội tuyển Việt Nam vẫn còn cách những đội bóng hàng đầu châu Á khá xa.

Trong dòng chảy của sự phát triển, đội tuyển Việt Nam từng tham dự giải đấu cấp độ châu Á như Asian Cup 2019. Dù ở giải đấu ấy, đoàn quân của HLV Park Hang Seo đã vào tới tứ kết nhưng nó cũng phản ánh đầy đủ vấn đề. Nên nhớ, ngay cả thời kỳ đỉnh cao ấy, chúng ta cũng thua cả ba đối thủ là Iraq, Iran và Nhật Bản.

Nhưng có lẽ, trên hành trình diệu kỳ vài năm qua, thế hệ vàng của đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ liên tiếp phải đối diện với những đội bóng mạnh ở châu lục như thời điểm này. Chỉ tới thời điểm này, chúng ta mới hiểu rằng mình đang đứng ở đâu so với châu lục.

Không phải đội tuyển Việt Nam chơi tệ. Công bằng mà nói, đội bóng đã thi đấu cố gắng và không ít lần ở gần điểm số đầu tiên. Thế nhưng, vẫn có rào cản ngăn chúng ta hướng tới điều đó, chính là… đẳng cấp.

Đẳng cấp là khái niệm trừu tượng. Nó không xuất hiện sau một cú chớp mắt, mà là cả hành trình dài, phát triển liên tục. Thưở mới ra thế giới, Nhật Bản, Hàn Quốc hay kể cả Iran, Saudi Arabia chỉ được xem là những đội bóng lót đường. Nhưng giờ đây, họ đã rút ngắn rất nhiều cách biệt so với những đội bóng hàng đầu thế giới.

Đội tuyển Việt Nam cũng vậy. Những trận thua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 không phải là thảm họa. Thay vào đó, ở góc độ tích cực hơn, chúng ta không còn "mặc định" thua đậm khi đối đầu với Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia. Thay vào đó, cách biệt giờ đây chỉ còn là một bàn thắng. Đó là điều đáng ghi nhận.

Tất nhiên, để nghĩ về chiến thắng, đội tuyển Việt Nam vẫn còn cả chặng đường rất dài. Ngay cả thế hệ vàng hiện nay chưa chắc làm được cho tới khi giải nghệ. Để chạm tay tới "đẳng cấp", có lẽ chúng ta cần một quá trình dài hơi hơn nữa.

Đội tuyển Việt Nam lại thất bại: Bước lùi… đầy giá trị - 2

Để thu hẹp đẳng cấp, đội tuyển Việt Nam vẫn còn chặng đường dài.

Chuyên gia môi giới cầu thủ Jernej Kamensek đã đề cập tới điều này: "Việc Nhật Bản thắng Việt Nam là bình thường. Bởi đơn giản, ngoài kinh nghiệm, trình độ, đẳng cấp thì họ phát triển nền bóng đá của mình chuyên nghiệp hơn và căn cơ hơn.

Trong khi đó, đến giờ, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức đào tạo trẻ, hệ thống các huấn luyện viên ở trình độ tầm trung. Nó cũng như một ngôi nhà vậy. Bạn cần phải xây nhà từ móng. Phải có một cái nền thật chắc chắn thì chúng ta mới có một ngôi nhà an toàn và vững vàng được. Nhật Bản đã mất rất nhiều năm trước Việt Nam để nỗ lực làm được điều đó".

Trở lại với thực tế gần hơn, đừng vì những trận thua mà phủ nhận thực tế rằng đội tuyển Việt Nam vẫn đang… tiến bộ sau những bài học từ chuỗi trận thua vừa qua. Để ý thấy, trong hai trận đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia, chúng ta đã có thay đổi tư duy nhất định.

Đội tuyển Việt Nam không bước vào những trận đấu đó với tâm lý cửa dưới, co mình về phòng ngự như trước. Thay vào đó, chúng ta đã chọn cách tiếp cận trận đấu và phòng ngự một cách chủ động hơn, khi dâng cao pressing, "cô đặc" lại tuyến giữa.

Con một con số nêu bật điều này. Trong hiệp 1 trận đấu với Saudi Arabia, "Rồng vàng" chỉ phải đối diện với 4 cú dứt điểm, thấp nhất trong số 6 trận đấu đã qua. Rõ ràng, cách tiếp cận chủ động này đã phần nào giảm tải áp lực lên hàng thủ, giúp cho chúng ta bớt mong manh.

Sơ đồ về vị trí trung bình của các tuyển thủ Việt Nam trong trận đấu với Saudi Arabia (dưới đây) cũng cho thấy các vị trí đã chơi gần như hơn trước. Khoảng cách giữa hàng thủ và hàng công được duy trì ở cự ly lý tưởng vào khoảng 25 mét.

Đội tuyển Việt Nam lại thất bại: Bước lùi… đầy giá trị - 3

Vị trí trung bình của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Saudi Arabia. Nó cho thấy chúng ta đã chủ động dâng cao, để "cô đặc" thành một khối ở tuyến giữa. Trước đây, do chơi phòng ngự lùi sâu, cự ly đội hình giữa các tuyến của đội tuyển Việt Nam thường khá xa.

Và một điểm sáng khác là ở thời điểm cuối trận, đội tuyển Việt Nam đã dồn lên tấn công với nhịp độ khẩn trương. Hai cánh Hồng Duy và Văn Thanh đều chủ động dâng lên rất cao để hỗ trợ tấn công. Đó là khoảng thời gian mà Saudi Arabia buộc phải lùi sâu về chơi phòng ngự, để bảo toàn tỷ số.

Nhưng nói qua cũng phải nói lại, dù bạn nỗ lực tới mấy, chiến thuật hợp lý tới đâu, thì khoảng cách về trình độ cũng không dễ để san lấp. Saudi Arabia tiếp tục cho thấy điều đó, khi chủ động kiềm tỏa sự hưng phấn của đội tuyển Việt Nam bằng khả năng kiểm soát bóng và điều tiết thượng thừa.

Bên cạnh đó, "Chim ưng xanh" hơn đội tuyển Việt Nam ở cách giải quyết trận đấu. Bàn thắng duy nhất của Saudi Arabia tới từ cơ hội không quá rõ rệt. Nhưng điều họ làm được là biến những tình huống "vốn không có nhiều sự uy hiếp" trở thành bàn thắng.

Trước mắt đội tuyển Việt Nam sẽ là chặng đường dài, nơi chúng ta phải liên tục đổi mới và thích nghi với trình độ châu lục.

Có lẽ, giải AFF Cup 2020 tới ở thời điểm này là vô cùng cần thiết. Nó giúp cho chúng ta tìm lại sự tự tin và hưng phấn. Nhưng điều quan trọng hơn thế, đó là những sự thử nghiệm mới.

Khi chỉ đối đầu với những đối thủ vừa tầm, rõ ràng HLV Park Hang Seo có nhiều điều kiện hơn để thử nghiệm và giúp những nhân tố mới làm quen với đội tuyển. Suy cho cùng, đội hình với bộ khung hiện tại đã đi cùng HLV Park trong một chặng đường dài và cũng dần bị các đối thủ (kể cả ở Đông Nam Á) bắt bài.

Đội tuyển Việt Nam lại thất bại: Bước lùi… đầy giá trị - 4

AFF Cup sẽ là giải đấu thích hợp để HLV Park Hang Seo thử nghiệm những nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam, khi lối chơi của đội bóng dần bị bắt bài.

Sự xuất hiện của những "cánh chim lạ" là cần thiết để một sự thay đổi và thích nghi. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chăng HLV người Hàn Quốc có "dám" thay đổi? Hay vì áp lực thành tích, ông vẫn buộc sử dụng những nhân tố thân thuộc và đi trên "con đường mòn" quen thuộc?

Đội tuyển Việt Nam lại thất bại: Bước lùi… đầy giá trị - 5