Bóng đá Tây Á áp đảo Đông Á trong lịch sử Asian Cup
(Dân trí) - Ở Asian Cup 2023, bóng đá Tây Á thắng lớn so với Đông Á. Nhìn lại chiều dài lịch sử của giải đấu này, ưu thế cũng nghiêng về các đội Tây Á so với các đội đến từ phía Đông châu Á.
Tổng cộng 24 đội dự vòng chung kết Asian Cup 2023, trong đó 3 đội bóng Trung Á (Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan), một đội Nam Á (Ấn Độ), một đội đến từ châu Đại Dương (Australia), còn lại là các đội Tây Á và Đông Á.
11 đội thuộc Tây Á tham dự giải gồm Qatar, Lebanon, Syria, Iran, UAE, Palestine, Iraq, Jordan, Bahrain, Saudi Arabia và Oman. Về phía các đội đến từ phía Đông châu Á, có 8 đội hiện diện ở Asian Cup 2023 (tính luôn nhóm các đội Đông Nam Á), gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Không chỉ có số lượng đông đảo, về mặt chất lượng, ngoại trừ Australia, toàn bộ các đội có khả năng tranh ngôi vô địch châu Á đều thuộc hai khu vực Đông - Tây. Chính vì thế, cuộc đua tại Asian Cup hầu như là cuộc đấu của Đông Á và Tây Á.
Kết quả, Tây Á thắng lớn tại Asian Cup 2023. Sau khi Jordan đánh bại Hàn Quốc ở bán kết giải đấu năm nay, chuyện tranh ngôi vô địch hiện chỉ còn là chuyện nội bộ của các đội bóng Tây Á (Jordan và Qatar).
Nhìn lại chiều dài lịch sử của bóng đá châu Á, Tây Á cũng là khu vực thắng thế so với Đông Á trong lịch sử Asian Cup.
Qua 18 lần giải đấu được tổ chức, tính luôn kỳ giải năm nay, các đội Tây Á vô địch đến 11 lần, Đông Á vô địch 6 lần. Một lần còn lại ngôi vô địch thuộc về Australia, vốn là đội bóng đến từ châu Đại Dương.
Tính về số lượng đội từng đăng quang, Tây Á cũng nhiều hơn hẳn Đông Á. Các đội Tây Á từng vô địch Asian Cup có Iran (1968, 1972 và 1976), Kuwait (1980), Saudi Arabia (1984, 1988 và 1996), Iraq (2007), Qatar (2019). Nếu Jordan vô địch Asian Cup 2023, họ sẽ là đội tiếp theo ở Tây Á từng vô địch châu Á.
Đội bóng khác từng vô địch châu Á là Israel (1964). Vì những yếu tố liên quan đến lịch sử và chính trị, Israel buộc phải chuyển sang sinh hoạt cùng Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cách đây nhiều thập kỷ. Nhưng về mặt địa lý, Israel vẫn thuộc Tây Á.
Nếu tính luôn Israel, bóng đá Tây Á từng có 6 đội đã vô địch Asian Cup. Nếu Jordan đăng quang ở giải năm nay, con số này sẽ tăng lên 7 đội.
Trong khi đó, Đông Á chỉ mới có 2 đội từng vô địch Asian Cup gồm Hàn Quốc (1956, 1960) và Nhật Bản (1992, 2000, 2004, 2011). Tuy nhiên, Hàn Quốc đã 64 năm chưa trở lại với ngôi vô địch bóng đá châu lục, do tụt hậu đáng kể so với mặt bằng đỉnh cao của châu Á về mặt kỹ thuật.
Thế nên, thực chất, trong hơn nửa thế kỷ qua, làng túc cầu phía Đông châu Á gần như chỉ có mỗi Nhật Bản cạnh tranh ngôi vô địch Asian Cup với các đội Tây Á.
Điều này phản ánh, so với bóng đá ở phía Đông châu Á, bóng đá Tây Á đồng đều hơn, thiện chiến hơn. Về mặt tố chất, tức là xét về yếu tố thể hình, thể lực, kỹ năng chơi bóng, các cầu thủ Tây Á tốt hơn so với các cầu thủ ở phía Đông châu Á.
Điểm nhỉnh hơn các đội phía Đông châu Á so với các đội Tây Á là khâu kỷ luật chiến thuật, khả năng tổ chức đội hình.
Tuy nhiên, đội bóng rất mạnh ở khâu này, lại có thêm yếu tố thể hình là Hàn Quốc lại quá lạm dụng yếu tố hình thể, sức mạnh, mà quên đi việc phát triển kỹ thuật, hoặc họ phát triển kỹ thuật chưa tương xứng với việc đẩy mạnh yếu tố thể lực.
Lối chơi của Hàn Quốc đôi khi bài bản đến máy móc, dẫn đến tính đột biến không cao, không đủ để gây bất ngờ. Điều đó khiến cho Hàn Quốc luôn thiếu điều kiện đủ để trở thành nhà vô địch thực thụ tại châu Á suốt 64 năm qua.
Chính vì thế, chỉ có Nhật Bản là đội bóng duy nhất ở phía Đông châu Á khiến cho các đội Tây Á phải e dè khi đối mặt. Tiếc rằng Nhật Bản lại xuống phong độ ngay đúng thời điểm diễn ra Asian Cup 2023.