1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung đột Nga-Ukraine có thể báo hiệu kỷ nguyên của robot chiến đấu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, những tiến bộ của công nghệ không người lái trong cuộc chiến hơn 10 tháng giữa Nga và Ukraine có thể mở đường cho sự xuất hiện của robot chiến đấu.

Xung đột Nga-Ukraine có thể báo hiệu kỷ nguyên của robot chiến đấu - 1

Quân nhân Ukraine phóng máy bay không người lái về phía Nga ở Donbass (Ảnh: AP).

Theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.

Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.

Ukraine đã có máy bay không người lái (UAV) tấn công bán tự động và vũ khí chống UAV được trang bị AI. Nga cũng tuyên bố sở hữu vũ khí AI. Họ có robot chiến đấu Uran-9, vũ khí trông giống xe tăng với súng nòng 30mm, súng phun lửa và 4 tên lửa chống tăng. Uran-9 có thể thực hiện nhiệm vụ trinh thám và hỗ trợ tác chiến bọc lót sử dụng hỏa lực.

Ngoài ra, Lục quân Nga đã có kế hoạch phát triển một số loại robot chiến đấu mạnh hơn nữa, dựa trên các xe tăng uy lực T-72 và T-14 Armata. Những robot này có thể mang vũ khí hạng nặng.

Tuy nhiên, thế giới chưa ghi nhận bất cứ loại vũ khí tự động hoàn toàn nào được triển khai trong các cuộc chiến.

Các chuyên gia cho rằng, có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Nga hoặc Ukraine, hoặc cả 2 nước, triển khai dạng vũ khí này.

Zachary Kallenborn, nhà phân tích tại Đại học George Mason, cho biết: "Nhiều nước đang phát triển công nghệ này. Rõ ràng, nó không phải là một loại vũ khí quá khó để chế tạo".

Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine Mykhailo Fedorov đồng ý rằng thiết bị không người lái tấn công hoàn toàn tự động là "bước tiếp theo hợp lý và không thể tránh khỏi" trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết Ukraine đã và đang thực hiện "rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng này".

"Tôi nghĩ rằng tiềm năng cho loại vũ khí này là rất lớn trong 6 tháng tới", ông Fedorov nói.

Trung tá Ukraine Yaroslav Honchar cho biết, con người đơn giản là không thể xử lý thông tin và đưa ra quyết định nhanh như máy móc.

Một vấn đề với Ukraine là nước này vẫn chưa cho phép sử dụng vũ khí sát thương hoàn toàn tự động, nhưng ông Honchar cho rằng, điều này có thể thay đổi.

Các nhà sản xuất phương Tây cho hay, Ukraine có thể chuyển các vũ khí không người lái bán tự động sang tự động hoàn toàn.

Ví dụ, phương Tây đã cam kết chuyển cho Ukraine UAV Switchblade 600 do Mỹ sản xuất và Warmate của Ba Lan. Hai vũ khí này hiện đang yêu cầu con người chọn mục tiêu qua video quay trực tiếp hiện trường. AI trên UAV sau đó sẽ chủ động tấn công khi phù hợp.

Wahid Nawabi, giám đốc AeroVironment - nhà sản xuất Switchblade, cho biết đã có công nghệ để UAV này có thể hoàn toàn tác chiến tự động. Điều cần làm là một sự thay đổi về mặt chính sách để loại bỏ con người ra khỏi quá trình đưa ra quyết định.

Về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không.

Theo SCMP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine