1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

WHO nêu công cụ đối phó làn sóng Omicron

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị với các nước về việc đối phó với biến chủng Omicron trong bối cảnh chủng virus mới ngày càng lan rộng.

WHO nêu công cụ đối phó làn sóng Omicron - 1

Tiêm chủng vaccine được xem là một trong những công cụ để đối phó biến chủng mới (Ảnh minh họa: Getty).

Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO có trụ sở tại Manila, Philippines hôm nay 3/12 cho biết, nhiều quốc gia đang báo cáo việc phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron gia tăng hàng ngày. Cơ quan này cảnh báo "phân bổ địa lý về số ca nhiễm có thể đã rộng hơn so với báo cáo hiện tại".

Tại cuộc họp báo trực tuyến, Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn bị cho những đợt lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra. Ông Kasai cũng đề cập đến thông tin nói rằng biến chủng Omicron "có thể dễ lây nhiễm hơn các biến chủng khác".

Một số quốc gia, bao gồm cả Philippines, đã áp đặt các  biện pháp hạn chế đi lại để ngăn biến chủng Omicron ở ngoài biên giới của họ. Tuy nhiên, ông Kasai cảnh báo "các lệnh cấm đi lại có thể trì hoãn, nhưng không thể ngăn cản sự xâm nhập của biến chủng Omicron".

"Các biện pháp kiểm soát biên giới có thể trì hoãn sự xâm nhập của virus và giúp "câu giờ", nhưng mọi quốc gia và cộng đồng phải chuẩn bị cho sự gia tăng số ca nhiễm", ông Kasai nói.

"Rõ ràng là đại dịch này còn lâu mới kết thúc, và chúng ta có thể lựa chọn cách thức xử lý virus để đối phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch trong tương lai và giảm tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe cộng đồng, xã hội và kinh tế", quan chức WHO nhấn mạnh.

Biến chủng Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở phía nam châu Phi vào tháng trước và được WHO liệt vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại". Ít nhất 25 quốc gia đã báo cáo các ca nhiễm biến chủng mới, trong đó có nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia.

Ông Kasai đã chỉ ra các biện pháp ứng phó mà các quốc gia có thể thực hiện để tránh "lằn ranh đỏ" hoặc tình trạng số ca Covid-19 nguy kịch vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện và các phòng điều trị tích cực (ICU).

Theo ông Kasai, khu vực có thể tránh kịch bản "lằn ranh đỏ" và tiếp tục mở cửa xã hội cũng như nền kinh tế bằng cách tiêm chủng cho nhiều người hơn, duy trì sự kết hợp của các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội, đồng thời đảm bảo có sẵn giường bệnh cho những người cần chúng.

Ông Kasai cho rằng các quốc gia phải tận dụng bài học kinh nghiệm từ việc đối phó với biến chủng Delta. Ông cũng kêu gọi các nước tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Ông Kasai cho biết các biện pháp trên giúp các nước có thể học cách "sống chung" với virus về lâu dài, ngay cả khi có những đợt bùng phát mới trong tương lai.

Quan chức WHO nói rõ rằng các biện pháp này không có nghĩa là từ bỏ việc kiểm soát Covid-19. "Thay vào đó, chúng ta sẽ liên tục điều chỉnh, kết hợp các công cụ và hành động dựa trên rủi ro trong từng bối cảnh, khi virus phát triển theo thời gian", ông Kasai nói.

Trong khi một số quốc gia vẫn đang phải đối mặt với tình trạng số ca nhiễm gia tăng, ông Kasai cho biết số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 hiện đã giảm và chững lại ở nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ông cho rằng ngày càng có nhiều người đi tiêm chủng, và sức ép đặt lên các bệnh viện và hệ thống y tế ở nhiều nơi đã giảm bớt.

WHO nêu công cụ đối phó làn sóng Omicron - 2