1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới khoa học Trung Quốc tuyên bố tìm ra kháng thể trung hòa mọi biến chủng

Minh Phương

(Dân trí) - Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng họ đã phân lập được một kháng thể có khả năng trung hòa hiệu quả tất cả các biến chủng của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.

Giới khoa học Trung Quốc tuyên bố tìm ra kháng thể trung hòa mọi biến chủng - 1

Hiện có 5 biến chủng của SARS-CoV-2 xếp vào nhóm đáng lo ngại (Ảnh minh họa: Reuters).

Theo hãng tin RT, trong một nghiên cứu công bố ngày 30/11, các nhà khoa học đến từ nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu, Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, cho biết họ có thể đã tìm ra "thuốc chữa bách bệnh" cho đại dịch Covid-19.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết, kháng thể đơn dòng 35B5 đã được thực hiện trong cả nghiên cứu in vitro (thí nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc ống nghiệm) và in vivo (thực hiện trên cơ thể sống) để vô hiệu hóa cả virus SARS-CoV-2 không có đột biến và các biến chủng đáng lo ngại của nó. Các nghiên cứu in vivo được tiến hành trên chuột mang gen người.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, kháng thể này cũng có hiệu quả đối với biến chủng nhiều đột biến như Delta - biến chủng trội gây ra các làn sóng Covid-19 chết chóc trên toàn cầu suốt một năm qua.

"35B5 có thể trung hòa SARS-CoV-2 bằng cách nhắm vào một biểu vị duy nhất của phân tử kháng nguyên mà kháng thể tự gắn vào để tránh các vị trí đột biến", nghiên cứu chỉ ra. Nói cách khác 35B5 sẽ nhắm vào một phần cụ thể của virus không thay đổi trong quá trình đột biến gen.

Bằng cách nhắm vào phần của virus không bị ảnh hưởng của các đột biến, kháng thể 35B5 cho thấy khả năng "trung hòa toàn diện và hiệu quả" với nhiều chủng virus. Theo các tác giả nghiên cứu, phát hiện này có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một loại vaccine Covid-19 duy nhất.

Họ cũng lưu ý thêm rằng, phân tử kháng nguyên bị kháng thể 35B5 nhắm đến cũng có trong Omicron - biến chủng mới phát hiện ở Nam Phi và đang gây lo ngại toàn cầu.

Biến chủng Omicron được phát hiện ở Nam Phi và Botswana từ khoảng giữa tháng 11 và hiện đã lan ra ít nhất 23 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Biến chủng này gây lo ngại vì chứa số lượng đột biến "cao chưa từng thấy" với hơn 50 đột biến, trong đó 32 đột biến gắn trên protein gai. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, biến chủng mới này có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ né miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine.

Đa số các chuyên gia và nhà sản xuất vaccine cho rằng, các vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả cao đối với biến chủng Omicron. Tuy nhiên, Giám đốc y tế của hãng dược Moderna Paul Burton không loại trừ khả năng thế giới cần đến một loại vaccine mới.

"Chúng ta nên biết về khả năng của vaccine hiện tại để cung cấp sự bảo vệ trong vài tuần tới, nhưng điều đáng chú ý về vaccine mRNA, nền tảng Moderna là chúng ta có thể phát triển rất nhanh. Nếu chúng ta phải tạo ra một loại vaccine hoàn toàn mới, tôi nghĩ rằng đó sẽ có vào đầu năm 2022 trước khi nó được sản xuất với số lượng lớn", ông Burton nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đang phối hợp với giới chuyên gia toàn cầu để đánh giá bản chất của Omicron cũng như tác động của nó đối với hiệu quả của vaccine. Những dữ liệu này có thể sẽ được công bố trong vài tuần tới.