1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO cảnh báo xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn "Quái vật" Delta

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xuất hiện một chủng virus mới còn nguy hiểm hơn biến thể Delta.

WHO cảnh báo xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn Quái vật Delta - 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: EPA).

"Càng lây nhiễm nhiều, càng có nhiều biến thể xuất hiện với khả năng còn nguy hiểm hơn cả biến thể Delta đang gây ra sự tàn phá như hiện nay. Và khi càng có nhiều biến thể, khả năng một trong số biến thể chống lại vắc xin và đưa chúng ta trở lại điểm xuất phát càng cao", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Olympic Quốc tế hôm nay 21/7.

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và đã xuất hiện ở hơn 111 quốc gia. WHO dự đoán "biến thể Delta sẽ sớm trở thành chủng Covid-19 chủ đạo, lây lan toàn thế giới".

Người đứng đầu WHO cho rằng, đại dịch Covid-19 là một phép thử với toàn cầu.

"Có một câu hỏi mà tôi thường được hỏi và người dân trên thế giới cũng đang hỏi: Khi nào đại dịch này sẽ kết thúc? Thực tế, đại dịch Covid-19 đã đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi: Về bản thân chúng ta và về thế giới của chúng ta. Đại dịch là một phép thử. Và thế giới đang thất bại", ông Tedros nói.

"Vào thời điểm tôi đưa ra những bình luận này, hơn 100 người trên thế giới sẽ tử vong vì Covid-19. Và vào thời điểm ngọn đuốc Olympic tắt vào ngày 8/8, sẽ có thêm hơn 100.000 người thiệt mạng", Tổng giám đốc WHO cho biết.

Ông Tedros cho biết ông chắc chắn lý do khiến thế giới không thể đối phó với đại dịch Covid-19, mặc dù có tất cả các công cụ cần thiết, là bởi thiếu các cam kết chính trị thực sự.

"Chính phủ các nước G20 phải thể hiện vai trò lãnh đạo nhằm đảm bảo việc mở rộng quy mô khẩn cấp và triển khai các công cụ cần thiết để cứu các sinh mạng. Nếu họ lựa chọn điều này, các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể kiểm soát đại dịch trên toàn cầu trong vài tháng bằng cách chia sẻ vắc xin thông qua cơ chế COVAX và khuyến khích các nhà sản xuất vắc xin làm bất cứ điều gì cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất", ông Tedros nói thêm.

Mục tiêu vắc xin

Ông Tedros cho biết việc tiêm chủng cho 70% dân số của mỗi quốc gia không chỉ giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 mà còn giúp khởi động lại nền kinh tế toàn cầu.

"Cùng với những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới, tôi đã kêu gọi nỗ lực rộng lớn trên toàn cầu để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trước tháng 9, ít nhất 40% trước cuối năm, và 70% vào giữa năm sau", quan chức WHO nhấn mạnh.

Ông Tedros cho biết hiện mới chỉ có 1% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, so với hơn một nửa dân số ở các nước phát triển. Nhà lãnh đạo WHO cho rằng sự bất công toàn cầu hiện nay trong việc chia sẻ vắc xin và các công cụ khác để đối phó với đại dịch, bao gồm các xét nghiệm và phương pháp điều trị, không chỉ góp phần gây ra "tình trạng hỗn loạn về xã hội và kinh tế", mà còn khiến cho virus lây lan hơn nữa.

Theo ông Tedros, thế giới cần 11 tỷ liều vắc xin để đạt được mục tiêu trên. Ông đã kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, cho rằng họ cần "có trách nhiệm với xã hội".

"Hầu hết các loại vắc xin được phát triển bằng quỹ cộng đồng. Nhiều công ty đã cam kết chia sẻ vắc xin, nhưng nhiều cam kết trong số đó vẫn chưa được thực hiện", người đứng đầu WHO cho biết.

"Nếu các quốc gia có thể huy động sức mạnh của nguồn lực công nghiệp cho chiến tranh, tại sao không thể làm điều tương tự để đánh bại kẻ thù chung hiện nay?", ông Tedros đặt câu hỏi.